Chính quyền và phe đối lập Ukraine vừa ký một thỏa thuận mang tính đột phá, đề cập đến những điểm cốt lõi nhất liên quan đến cuộc khủng hoảng chính trị ở quốc gia Đông Âu này.
Ngày 21/2, cơ quan báo chí trực thuộc Văn phòng Tổng thống Ukraine cho biết: Tổng thống Viktor Yanukovych và các thủ lĩnh đối lập đã ký thỏa thuận chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài ba tháng qua tại nước này.
Người biểu tình trong cuộc đụng độ với cảnh sát tại thủ đô Kiev ngày 20/2. Ảnh: AFP/TTXVN |
Về nội dung, lãnh đạo đảng các Khu vực cầm quyền Oleksandr Yefremov cho biết, 48 giờ sau khi ký kết thỏa thuận, Quốc hội sẽ tiến hành xem xét, thông qua dự luật về việc khôi phục các bản hiến pháp trước đây bản - Hiến pháp 2004 hoặc Hiến pháp 1996. “Tiến trình sửa đổi và thông qua Hiến pháp sẽ hoàn tất trong tháng 9, sau đó sẽ là cuộc bầu cử Tổng thống trước thời hạn vào tháng 12/2014”, ông Yefremov nói. Theo Kênh truyền hình tư nhân "1+1", thỏa thuận này còn bao gồm cả điều khoản thành lập một chính phủ liên minh trong vòng 10 ngày.
Thỏa thuận đột phá trên là kết quả từ cuộc gặp kéo dài 8 giờ đồng hồ giữa ông Yanukovych với 3 thủ lĩnh đối lập Arseniy Yatseniuk, Oleh Tiahnybok, Vitali Klitschko, có sự tham dự của Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier, Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski và đại diện của Nga trên cương vị là những nhà trung gian hòa giải.
Trước đó cùng ngày, Quốc hội Ukraine đã nhóm họp, thảo luận về việc khôi phục bản Hiến pháp 2004, được xem là sẽ giới hạn quyền lực của Tổng thống, tăng quyền cho cơ quan lập pháp, cũng như khả năng thành lập một chính phủ chuyển tiếp. Tại đây, thủ lĩnh Yatseniuk nêu yêu sách: “Hiến pháp 2004 phải được khôi phục tức thì”, đồng thời phải “trả tự do cho cựu Thủ tướng Yulia Tymoshenko”.
Tối ngày 20/2, Quốc hội Ukraine đã thông qua Nghị quyết lên án đụng độ bạo lực, dừng chiến dịch chống khủng bố trên phạm vi cả nước mà trước đó Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia (SBU) đã tuyên bố. Nghị quyết cũng yêu cầu SBU, Bộ Nội vụ phải chấm dứt ngay việc sử dụng vũ lực chống người biểu tình hòa bình, dừng phong tỏa các tuyến giao thông trên cả nước. Lực lượng của Bộ Quốc phòng sẽ được rút về nơi đóng quân.
Trên các tuyến phố và Quảng trường Độc lập ở thủ đô Kiev, tình hình đã lắng dịu hơn. Không còn thấy sự hiện diện của cảnh sát chống bạo động quanh các khu vực cắm trại, đặt chướng ngại vật. Tuy nhiên, nhiều người biểu tình quá khích vẫn chuẩn bị cho khả năng xảy ra đụng độ. Họ chất thêm lốp xe, mang nhiều chai lọ đựng xăng dầu ở các lối chặn trên đường phố. Sáng 21/2, vẫn còn vài nghìn người biểu tình tụ tập ở Quảng trường Độc lập. Họ hiện chiếm giữ ít nhất 5 tòa nhà ở khu phố trung tâm Khreschatyk.
Những bước tiến mới nói trên tại Ukraine ghi nhận sự nỗ lực của cộng đồng quốc tế. Đã có hàng loạt các cuộc điện đàm “con thoi” giữa Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Mỹ Barack Obama, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Anh Davi Cameron thảo luận về giải pháp chính trị khẩn cấp cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine, có nguy cơ đẩy quốc gia này rơi vào một cuộc nội chiến.
Ông Obama và bà Merkel cùng nhất trí rằng Mỹ, Đức và Liên minh châu Âu (EU) cần tiếp tục hợp tác chặt chẽ để tìm ra các biện pháp chấm dứt tình trạng bạo lực, tiến đến giải pháp chính trị vì lợi ích tốt nhất cho người dân Ukraine. Về phần mình, Tổng thống Putin nhấn mạnh điều quan trọng nhất là phải chấm dứt bạo lực, có biện pháp khẩn cấp để ổn định tình hình, ngăn ngừa các cuộc tấn công cực đoan hoặc khủng bố.
Hoài Thanh