Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko ngày 28/3 thông báo hội nghị thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo Ukraine và quan chức cấp cao Liên minh châu Âu (EU) sẽ diễn ra tại thủ đô Kiev vào cuối tháng 4 tới.
Tổng thống Ukraine phát biểu tại sân bay Kiev ngày 25/3. |
Trên trang web chính thức, Tổng thống Poroshenko cho biết trong cuộc điện đàm với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker hai bên nhất trí sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh Ukraine-EU vào ngày 27/4 tới. Cuộc gặp này, dự kiến có sự tham gia của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cùng những người đứng đầu các quốc gia EU, diễn ra trong bối cảnh việc tuân thủ lệnh ngừng bắn giữa quân đội Kiev và lực lượng đòi độc lập ở miền Đông hiện "rất mong manh".
Theo thông cáo trên, hội nghị thượng đỉnh tháng Tư tới dự kiến sẽ tập trung giải quyết yêu cầu của Tổng thống Poroshenko về việc triển khai phái bộ gìn giữ hòa bình châu Âu để giám sát việc thực thi thỏa thuận ngừng bắn, vốn có hiệu lực từ hôm 15/2 vừa qua, giữa các bên xung đột ở miền Đông Ukraine. Ngoài ra, các quan chức cấp cao hai bên cũng sẽ thảo luận về việc tăng cường viện trợ cho nền kinh tế hiện đang rơi vào khủng hoảng của Ukraine. Việc tổ chức các cuộc gặp thượng đỉnh thường niên giữa hai bên đã được đưa ra trong thỏa thuận ký kết giữa EU và chính phủ mới của Ukraine, sau khi lên cầm quyền hồi tháng 6/2014, 4 tháng sau khi cựu Tổng thống Viktor Yanukovych bị lật đổ.
Cùng ngày, phát biểu trên kênh truyền hình Inter TV của Ukraine, ông Poroshenko tuyên bố đang nỗ lực làm suy yếu sự kìm kẹp của các "đầu sỏ chính trị" đối với đất nước, đồng thời nhấn mạnh ông sẽ không cho phép xảy ra tình trạng "hỗn loạn" tại Kiev, cũng như bất kỳ thành phố nào ở Ukraine.
- Liên quan tới chính sách của EU với Ukraine, theo phóng viên TTXVN tại Berlin, cũng trong ngày 28/3, cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schroeder cho rằng EU đã theo đuổi một "chính sách sai lầm" khi chỉ đàm phán hiệp định liên kết với Ukraine mà không đàm phán một hiệp định tương tự với Nga.
Trả lời báo Tấm gương (Spiegel) của Đức ngày 28/3, ông Schroeder nhận định các nỗ lực của phương Tây để cô lập Nga trên trường quốc tế là không cần thiết, và đem lại hiệu ứng ngược. Cựu Thủ tướng Đức đồng thời cho biết nếu ông đang đương nhiệm Thủ tướng Đức, ông không bao giờ ủng hộ việc loại Nga khỏi G8 - nhóm các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới.
Cũng theo ông Schroeder, trong khi Chiến tranh Lạnh kết thúc cùng với sự sụp đổ của Liên Xô và sự tan rã của Khối hiệp ước Vácsava, khối Hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) không chỉ tiếp tục tồn tại mà còn ngày càng phát triển mở rộng sang phía Đông. Mặc dù lên án hành động Nga sáp nhập Crimea, ông Schroeder vẫn khẳng định rằng Tổng thống Nga Vladimia Putin luôn tôn trọng Ukraine như một "quốc gia độc lập".
Liên quan những lo ngại về việc Nga có thể gây bất ổn ở Ba Lan và các nước Baltic, ông Schroeder cho rằng chính phương Tây đang "thổi phồng" về những nguy cơ này và ở thời điểm hiện tại, không có căn cứ nào cho thấy giới chức ở Nga có bất kỳ ý định gì liên quan đến toàn vẹn lãnh thổ của Ba Lan hay Baltic.
TTXVN/Tin tức