Ngay sau khi bị Nga cắt nguồn cung khí đốt, Ukraine ngày 17/6 tuyên bố không lo thiếu năng lượng, đồng thời thừa nhận muốn dựa vào nguồn cung khí đốt từ Liên minh châu Âu (EU) để giảm phụ thuộc vào Moskva. Tổng giám gốc tập đoàn khí đốt Naftogaz của Ukraine, Andrii Kobolev, quả quyết người tiêu dùng Ukraine sẽ không bị ảnh từ quyết định Nga cắt nguồn cung khí đốt vì Chính phủ có kế hoạch triển khai hệ thống cung cấp khí đốt "ngược dòng", tức là nhận lại một phần khí đốt EU mua của Nga trung chuyển qua Ukraine. Ông Kobolev cho biết nhiều công ty châu Âu sẵn sàng bán lại khí đốt cho Ukraine với giá 320 USD/1.000 m3.
Trong phiên họp Quốc hội cùng ngày, Thủ tướng tạm quyền Ukraine, Arseny Yasenyuk, thông báo Ukraine đã nhận được "một lượng" khí đốt từ nguồn cung "ngược dòng" và trong tương lai, nguồn cung này có thể lên đến 15 tỷ m3, tạm đủ cho nhu cầu của đất nước. Tuần trước, ông Yasenyuk tuyên bố Ukraine có ý định đa dạng hóa nguồn cung cấp khí đốt bằng cách mua lại của các nước như Ba Lan, Hungari và Slovakia.
Giám đốc Công ty dầu khí quốc gia Naftogaz Andrii Kobolev (trái) trong phiên họp khẩn của nội các ở Kiev ngày 16/6. Ảnh: AFP/TTXVN |
Đối với châu Âu, các nhà phân tích cho rằng quyết định trên của Nga trước mắt ít ảnh hưởng đến người tiêu dùng trong châu lục này vì nguồn dự trữ đặt trên lãnh thổ Ukraine vẫn dồi dào và nhu cầu năng lượng trong mùa hè thấp. Tuy nhiên, điều này sẽ thay đổi khi nguồn dự trữ vơi bớt vào mùa đông, buộc châu Âu phải tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế và đe dọa nền kinh tế vốn đã yếu kém của Ukraine.
Các nhà phân tích cho biết Ukraine hiện duy trì 13 tỷ m3 khí đốt trong kho dự trữ đặt trên lãnh thổ nước này, trong khi châu Âu và Ukraine cần rất ít ga để sưởi trong mùa hè. Chưa kể, tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga vẫn tuyên bố tiếp tục cung cấp khí đốt cho châu Âu qua hệ thống đường ống dẫn đặt trên lãnh thổ Ukraine. Tuy nhiên, trong bối cảnh khoảng 15% khí đốt tiêu thụ ở châu Âu được Nga bơm qua hệ thống này, một số quan chức EU lo ngại Kiev sẽ "hút trộm" nguồn khí chuyển sang châu Âu khi mùa đông đến như họ đã làm trong các năm 2006 và 2009, khiến châu Âu lại gặp rắc rối vì bị gián đoạn nguồn cung khí đốt trong mùa đông rét buốt.
Bộ trưởng phụ trách các vấn đề Kinh tế, Gia đình và Thanh niên của Áo cho rằng EU cần giúp Ukraine thanh toán các khoản nợ khí đốt với Nga để giải quyết vụ tranh cãi về nguồn cung khí đốt giữa 2 nước Đông Âu này do Kiev không đủ sức tự mình thanh toán nợ. Quan chức này cũng kêu gọi đạt giải pháp chính trị cho cuộc tranh cãi khí đốt trong vòng 3-4 tháng tới, đề phòng Ukraine lại sử dụng nguồn khí đốt Nga xuất sang EU.
Phản ứng trước thông tin về nguồn cung "ngược dòng", Tập đoàn Gazprom của Nga coi việc các nước châu Âu bán lại khí đốt cho Ukraine là hành động bất hợp pháp, đồng thời tuyên bố sẽ giảm xuất khẩu khí đốt cho bất kỳ quốc gia nào đồng tình với việc làm này.
TTXVN/Tin tức