Theo phóng viên TTXVN tại Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG), ngày 21/12, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã hội đàm với người đồng cấp Belarus Alexander Lukashenko nhân chuyến thăm của ông Lukashenko tới Kiev, trong đó thảo luận nhiều vấn đề hợp tác.Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko (phải) và người đồng cấp Belarus Alexander Lukashenk. Ảnh: AP. |
Trong cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực năng lượng, an ninh, hợp tác liên khu vực và trong lĩnh vực chế tạo máy. Tổng thống Poroshenko nhấn mạnh Ukraine thực sự quan tâm thúc đẩy quan hệ thương mại, kinh tế, chính trị và quốc phòng giữa hai nước phát triển với cường độ tối đa.
Ông khẳng định Kiev có thể đóng góp vào việc phát triển mối quan hệ giữa Belarus và Liên minh châu Âu (EU) trong khuôn khổ Đối tác phương Đông. Đó là cơ chế sử dụng các nguồn lực công nghệ, luật pháp, tài chính đôi bên cùng có lợi ở các cấp độ đối tác khác nhau.
Về phần mình, Tổng thống Lukashenko cho biết Belarus là đối tác tin cậy và trung thành của Ukraine về kinh tế và chính trị. Ông nhấn mạnh: "Chúng tôi hoàn toàn minh bạch. Các bạn có thể trông cậy hoàn toàn vào chúng tôi".
Ngoài ra, hai bên cũng đã đạt được thỏa thuận về hợp tác thông tin, theo đó cho phát sóng một kênh truyền hình Ukraine tại Belarus để chuyển tải các sự kiện ở Ukraine.
Về cuộc khủng hoảng tại miền Đông-Nam Ukraine, Tổng thống Lukashenko cho biết Minsk luôn sẵn sàng giúp đỡ Kiev, nỗ lực hết sức để đáp ứng những đề nghị của Ukraine. Ông cũng lưu ý rằng sự bình yên tại Ukraine quan trọng với Belarus không chỉ bởi quan hệ thương mại mà vì Ukraine là quốc gia láng giềng gần nhất của Belarus.
Tổng thống Belarus nhấn mạnh ông là người kiến tạo hòa bình và nhà trung gian trong các cuộc đàm phán về cuộc khủng hoảng Ukraine, và ông sẵn sàng góp phần giải quyết cuộc xung đột ở Đông-Nam Ukraine. Hồi tháng 9 vừa qua, tại Minsk đã diễn ra các cuộc gặp của Nhóm tiếp xúc về giải quyết vấn đề Ukraine với sự tham gia của đại diện phía Kiev, lực lượng đòi độc lập ở miền Đông Ukraine, Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) và Nga.
Tại đây, các bên xung đột đã nhất trí kế hoạch giải quyết bằng biện pháp hòa bình và tiến tới cơ chế ngừng bắn.
TTXVN/Tin Tức