Sau tuyên bố gây căng thẳng ngoại giao của Mỹ đối với Venezuela, Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR) ngày 11/3 thông báo sẽ triệu tập cuộc họp bất thường cấp nguyên thủ để bày tỏ sự ủng hộ đối với quốc gia Mỹ Latinh này.Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ Latinh, Tổng thống Ecuador Rafael Correa cho hay trước mắt, các ngoại trưởng UNASUR sẽ họp tại thủ đô Montevideo, Uruguay vào ngày 12/3 để chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh trên.
Tổng thư ký UNASUR Ernesto Samper (giữa) trong cuộc họp báo sau cuộc gặp với Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro tại Caracas ngày 6/3. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Ông Correa khẳng định các quốc gia Nam Mỹ “sẽ phản ứng thích hợp với sự can thiệp thô bạo, bất hợp pháp, trắng trợn chưa từng có và không thể bào chữa của Mỹ đối với vấn đề nội bộ của Venezuela”.
Vài tuần trước, các ngoại trưởng UNASUR cũng đã ra tuyên bố chung, bày tỏ sự ủng hộ Venezuela trước hai gói trừng phạt mới của Mỹ.
Theo giới quan sát, việc Mỹ công khai tuyên bố Venezuela là “mối đe dọa bất thường an ninh quốc gia” sẽ dẫn tới một loạt các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với quốc gia Nam Mỹ này.
Ngoại trưởng Venezuela, Delcy Rodriguez cho rằng nước này cần sẵn sàng cho khả năng Mỹ áp đặt cấm vận, tương tự như Mỹ đã làm với Cuba trong hơn 5 thập kỷ qua.
Theo quan chức đứng đầu ngành ngoại giao Venezuela, kế hoạch của Mỹ có thể gồm 30 gói trừng phạt, đóng băng tài khoản, tài sản và can thiệp quân sự đối với quốc gia Nam Mỹ này.
Bà Rodriguez cho rằng sắc lệnh hành chính áp đặt lệnh trừng phạt do Mỹ đưa ra đối với 7 quan chức chính phủ nước này không chỉ giới hạn trong nhóm người đó mà ảnh hưởng đến toàn thể người dân Venezuela. Bà khẳng định đây là sự việc nghiêm trọng chưa từng xảy ra trong lịch sử quốc gia Nam Mỹ này và người dân Venezuela cần phải biết rõ về kế hoạch của Mỹ.
Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro cũng vừa yêu cầu Quốc hội nước này trao quyền đặc biệt về an ninh. Nhiều khả năng đề xuất trên sẽ được thông qua trong thời gian sắp tới.
Mặc dù được biết đến chủ yếu trong vai trò nước xuất khẩu dầu, nhưng tiềm năng khí đốt của Venezuela hoàn toàn có thể cạnh tranh với Mỹ để cung cấp cho thị trường Caribe và Trung Mỹ. Đây là khẳng định của kỹ sư dầu khí Diego González Cruz trong một báo cáo phân tích mới công bố.
Trong văn bản này ông nêu rõ, hai nước xuất khẩu khí đốt chủ yếu hiện tại cho các thị trường trên là Trinidad & Tobago và Peru chỉ có trữ lượng kiểm chứng lần lượt là 12.400 tỷ phút khối (khoảng 351,13 tỷ m3) và 1(436,08 tỷ m3).
So với những con số trên, trữ lượng đã kiểm chứng của Venezuela lớn hơn rất nhiều: 197.100 tỷ phút khối (5.578,4 tỷ m3), theo số liệu chính thức 2013. Tổng số 650 dự án khai thác khí đốt trong đất liền của quốc gia Nam Mỹ này có trữ lượng dự tính khoảng 3.071 tỷ m3, và với tỷ lệ khai thác khả thi 30% thì khối lượng có thể khai thác từ đây cũng lên tới 1.110 tỷ m3.
Các mỏ khí ngoài khơi đã phát hiện có thể chứa tới 147.000 tỷ phút khối (4.162,6 tỷ m3), nói cách khác là trữ lượng có thể khai thác thành công (30%) là 1.248,8 tỷ m3. Những con số này khiến Venezuela trở thành nước có trữ lượng khí đốt lớn thứ tám trên thế giới và về lý thuyết hoàn toàn có năng lực để cạnh tranh với Mỹ tại thị trường Trung Mỹ và Caribe, thậm chí ở cả Mỹ Latinh.
Tuy nhiên, khâu vướng mắc của Venezuela nằm ở hiệu suất khai thác. Sản lượng khí đốt hiện tại của quốc gia này mới chỉ đạt khoảng 7 tỷ phút khối/ngày (198,22 triệu m3/ngày), thậm chí còn chưa đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa. Trong khí đó, Mỹ đã tiến rất xa với các dự án hóa lỏng khí đá phiến.
Nếu Venezuela không nhanh chân trong việc thúc đẩy các dự án khí đốt và hoàn thiện khung pháp lý, bao gồm cả một cơ quan kiểm tra độc lập, họ sẽ đánh mất ưu thế tài nguyên khí đốt to lớn của mình.
Lê Hà (P/v TTXVN tại La Habana) |
TTXVN/Tin tức