Bác sĩ Đỗ Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bắc Sơn cho biết: Từ năm 2011 đến nay, trung tâm đã thực hiện được gần 3.000 kỹ thuật dịch vụ y tế, trong đó có 404 kỹ thuật của bệnh viện tuyến tỉnh. Như vậy người bệnh đã có sự lựa chọn chữa bệnh tại địa phương, không phải di chuyển xa để chữa bệnh, giảm chi phí tiền bạc, đồng thời góp phần giảm quá tải cho bệnh viện tuyến trên… Công tác khám chữa bệnh ngày càng tốt, chăm lo cho người bệnh cả về thể chất và tinh thần, để người bệnh mau chóng phục hồi sức khỏe.
Tiêm phòng cho trẻ em tại Phòng khám khu vực Ngả Hai, thuộc Trung tâm y tế Bắc Sơn (Lạng Sơn). |
Theo Bác sĩ Đỗ Văn Dũng, từ năm 2013, trung tâm đã triển khai 10 máy chạy thận nhân tạo và đến nay đã lọc thận cho 10.000 lượt bệnh nhân; hiện chúng tôi phải chạy 4 ca/24 giờ và 6 ngày/tuần. Tuy vất vả là vậy nhưng chúng tôi đã góp phần kéo dài cuộc sống cho trên 50 người bệnh trong nhiều năm qua và đặc biệt người bệnh không còn cách ngày lại phải di chuyển hàng trăm km xuống bệnh viện tuyến trung ương hoặc sang tỉnh bạn để điều trị, giảm chi phí cho người bệnh.
Bên cạnh việc đầu tư máy chạy thận nhân tạo, Trung tâm đã thành lập được ngân hàng máu. Tính tới nay trung tâm đã truyền được 1.000 đơn vị máu, tham gia cứu sống rất nhiều bệnh nhân không chỉ trong địa bàn huyện mà còn có cả các bệnh nhân ở các huyện lân cận như Bình Gia, Văn Quan (Lạng Sơn) và Võ Nhai (Thái Nguyên). Trong thời gian tới đơn vị sẽ triển khai xét nghiệm mẫu nước sinh hoạt trên địa bàn toàn huyện, đây là kỹ thuật xét nghiệm chỉ thực hiện được ở Trung tâm Y tế dự phòng tuyến tỉnh.
Trung tâm cũng tập trung đẩy mạnh ứng dụng các kỹ thuật như gây mê ngoài màng cứng, gây tê tủy sống, gây tê vùng, gây mê nội khí quản, mổ cấp cứu sản khoa, phụ khoa, ngoại khoa, mổ phiên cắt tử cung toàn phần, kết hợp xương các chi... đã được các thầy thuốc bệnh viện tiến hành. Dự kiến cuối năm 2015 sẽ thực hiện mổ nội soi tại Bắc Sơn; đây là kỹ thuật mà hiện nay chỉ được thực hiện ở bệnh viện tuyến huyện khi đã có bác sĩ được đào tạo chuyên khoa sâu về phẫu thuật nội soi và bác sĩ gây mê hồi sức, kèm theo có cơ sở vật chất đúng tiêu chuẩn, trang thiết bị hiện đại, chuyên dụng.
Cùng với việc ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, Trung tâm Y tế huyện Bắc Sơn luôn quan tâm chỉ đạo Trạm y tế các xã làm tốt công tác y tế dự phòng và công tác khám chữa bệnh cho nhân dân. Hiện thuốc tân dược và vị thuốc y học cổ truyền đã có đủ như quy định theo bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã đến giai đoạn 2020; các trang thiết bị y tế hiện đại như máy nội soi tai, mũi, họng, siêu âm, sinh hóa nước tiểu, sinh hóa máu… đều được trang bị đến các trạm y tế xã lồng ghép chuyên môn với Phòng khám Đa khoa khu vực đã và đang phát huy tốt trong việc khám chữa bệnh cho nhân dân.
Đặc biệt từ năm 2012 đến nay, trung tâm đã cử các đoàn cán bộ gồm bác sĩ, nữ hộ sinh, dược, kế toán xuống tăng cường về năng lực chuyên môn, chuyển giao kỹ năng khám chữa bệnh, cấp phát thuốc, thanh toán chi phí khám chữa bệnh, tư vấn sức khỏe tại các Trạm y tế xã và tuyên truyền cho đồng bào các dân tộc biết cách sử dụng các loại cây thuốc nam sẵn có tại đại phương, do vậy đã được nhân dân luôn tin tưởng, khen ngợi.
Không chỉ làm tốt công tác chuyên môn, từ khi thực hiện quy định về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ tổ chức bộ máy biên chế tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập, Trung tâm Y tế huyện Bắc Sơn đã động viên và được đội ngũ cán bộ, nhân viên ủng hộ chủ trương thực hành tiết kiệm chi nhưng vẫn đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao.
Thực hiện công tác xã hội hóa, cán bộ, nhân viên của trung tâm cùng nhau góp vốn xây dựng 5 phòng điều trị theo yêu cầu đảm bảo chất lượng phục vụ người bệnh khi có nhu cầu. Với chất lượng phục vụ đảm bảo, nhiệt tình, chu đáo nên bệnh nhân hoàn toàn tin tưởng, hài lòng; hàng năm đã tăng thu cho người lao động ngoài lương là 2 triệu đồng/người/tháng. Tuy số tiền không lớn nhưng so với điều kiện thực tế của các đơn vị cùng tuyến thì đây là khoản thu nhập tăng thêm cao trong ngành y tế của tỉnh. Do vậy phần nào đã động viên được đội ngũ cán bộ, nhân viên phấn khởi, hăng hái thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho đồng bào các dân tộc tại địa phương.