Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, vào lúc 20 giờ hôm qua (7/8), bão số 6 tiến sát bờ biển các tỉnh từ Nam Định đến Thanh Hóa. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9 (tức là từ 62 đến 88 km/giờ), giật cấp 10, cấp 11. Đến 21 giờ hôm qua, bão bắt đầu đổ bộ vào đất liền.
Do ảnh hưởng của bão số 6, Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) có gió 19m/s (cấp 8), giật 24m/s (cấp 9), Hòn Dấu 15m/s (cấp 7), giật 22m/s (cấp 9); Văn Lý (Nam Định) 24m/s (cấp 9), giật 30m/s (cấp 11); Hòn Ngư (Nghệ An) có gió giật 20m/s (cấp 8); Kỳ Anh (Hà Tĩnh) 15m/s (cấp 7), giật 27m/s (cấp 10). Các tỉnh nam đồng bằng Bắc Bộ, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến 50 - 100 mm; một số nơi có mưa lớn hơn như Hà Tĩnh 118mm; Kỳ Anh (Hà Tĩnh) 331mm; Ba Đồn (Quảng Bình) 131mm...
Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức, ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, do ảnh hưởng của bão, vịnh Bắc Bộ đêm qua có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, cấp 9, giật cấp 10, cấp 11. Vùng ven biển các tỉnh phía đông Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An có gió mạnh cấp 6, vùng gần tâm bão cấp 7, cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Các tỉnh Bắc Bộ (đặc biệt là Nam Định), Thanh Hóa và Nghệ An có mưa vừa, mưa to đến rất to.
*Chiều tối 7/8, bão số 6 đã ảnh hưởng tới Thái Bình gây mưa to, gió giật mạnh cấp 7, cấp 8 đúng vào thời điểm nước triều cường lên khiến sóng biển dâng cao tới 3 mét, làm sạt một số bờ đầm nuôi trồng thủy sản tại huyện ven biển Tiền Hải. Mưa to, gió giật mạnh làm nhiều tuyến đường tại thành phố Thái Bình bị ngập.
Bộ đội Biên phòng tỉnh Thái Bình đã chỉ đạo các đồn biên phòng ở hai huyện Tiền Hải và Thái Thụy sử dụng phương tiện thông báo, tuyên truyền cho ngư dân và những người nuôi trồng thủy, hải sản ven biển biết về diễn biến của bão và biện pháp phòng tránh; tổ chức bắn pháo hiệu báo bão theo quy định.
Đến 17 giờ, tỉnh Thái Bình đã kêu gọi 13 phương tiện với 93 lao động đánh bắt xa bờ vào neo đậu an toàn tại Hải Phòng, Quảng Ninh và Vũng Áng của Hà Tĩnh. Đồng thời hướng dẫn sắp xếp cho 1.175 phương tiện tàu, thuyền với 3.074 lao động vào nơi neo đậu, tránh trú bão an toàn. Tỉnh đã di dời gần 3.900 lao động nuôi trồng thủy hải sản trên các chòi canh ngao và sơ tán trên 1.100 nhân khẩu đang sinh sống ngoài đê và các khu vực nguy hiểm vào nơi an toàn tránh bão.
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, Phạm Văn Sinh đã trực tiếp đi kiểm tra, chỉ đạo công tác chống bão số 6 tại huyện ven biển Tiền Hải, yêu cầu các địa phương kiểm tra, bảo vệ các tuyến đê biển và khẩn cấp sơ tán, khẩn trương di dời các hộ dân ven biển vào nơi trú ẩn an toàn.
Theo ông Nguyễn Văn Bái, Chủ tịch UBND huyện Tiền Hải, đến 17 giờ, toàn bộ hơn 700 phương tiện đánh bắt thủy, hải sản với trên 2.300 lao động của Tiền Hải đã vào nơi neo đậu an toàn. Trên 2.500 ngư dân làm ăn ngoài biển cũng đã được di chuyển vào phía trong đê chính.
Tỉnh Thái Bình tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương ứng trực cùng các lực lượng quân đội, công an sẵn sàng ứng cứu và hỗ trợ khi cần thiết cho từng khu vực để giảm thiểu thiệt hại do cơn bão gây ra. Các lực lượng thực hiện các phương án bảo vệ dân sinh sống ngoài bãi sông, ven biển và khu vực nuôi trồng thủy hải sản; kiên quyết không để người dân còn ở ngoài đê biển và người ở lại trên thuyền khi bão đổ bộ vào đất liền tối và đêm 7/8. Ngành nông nghiệp tỉnh tập trung chỉ đạo các công ty khai thác thủy lợi Bắc và Nam Thái Bình bố trí lực lượng trực 24/24 giờ để tranh thủ mở các cống tiêu hạ mức nước trên toàn hệ thống sông hồ, đề phòng mưa lớn gây ngập úng lúa mùa và cây trồng.
*Chiều 7/8, tại đảo Cát Hải, Hải Phòng gió bắt đầu mạnh dần lên cấp 3 cấp 4, thủy triều lên, sóng biển dâng cao đập mạnh vào thân kè. Trời có lúc mưa vừa, mưa to đến rất to. Huyện đảo kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh trú an toàn, sơ tán nhân dân khu vực lồng bè về các điểm tránh trú; kết hợp với hạt quản lý đê điều, phòng nông nghiệp phát triển nông thôn rà soát các vị trí đê kè cống xung yếu, triển khai phương án di dân nội, ngoại vùng, nhất là nhân dân vùng trũng thấp như thị trấn Cát Hải, xã Hoàng Châu.
Sóng lớn liên tiếp đánh vào khu vực kè Đồ Sơn, Hải Phòng. Ảnh: Quang Quyết - TTXVN |
Huyện Cát Hải hoàn thành sơ tán nhân dân ở vị trí xung yếu trước 17 giờ. 1.071 người dân được sơ tán về các điểm cao như nhà văn hóa, trường học, nhà cao tầng... Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn huyện huy động trên 100 cán bộ, chiến sỹ công an, quân sự, biên phòng, phối hợp cùng lực lượng tại các địa bàn xung yếu hỗ trợ nhân dân, chính quyền địa phương phòng chống bão số 6.
Tại huyện đảo Bạch Long Vỹ, chính quyền địa phương đã chỉ đạo công tác phòng chống bão trên đảo và âu cảng; kêu gọi, vận động tàu thuyền đang hoạt động di chuyển về đất liền; tuyên truyền, vận động các hộ dân chằng chống nhà cửa, tài sản, sẵn sàng di dời tới khu vực tránh trú bão an toàn khi có lệnh. Huyện Kiến Thụy cũng đã kêu gọi 232 phương tiện/948 người hoạt động trên sông, biển đã về nơi tránh trú bão.
Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Hải Phòng, hơn 3.700 phương tiện, lồng bè/12.000 lao động đang hoạt động trên biển và neo đậu tại bến đã được thông báo vị trí và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh.
Vào 16 giờ 30 phút, ngày 7/8, một vụ tai nạn thương tâm hi hữu đã xảy ra tại bờ biển khu 1 trước khách sạn Hải Yến, quận Đồ Sơn (Hải Phòng), một trẻ em bị sóng cuốn mất tích khi ra sát biển. Nạn nhân được xác định Phạm Thanh Sơn, sinh 1997, thường trú tại Đông Chính, Đằng Giang, Ngô Quyền, Hải Phòng.
*Sáng 7/8, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương có cuộc họp bàn các biện pháp ứng phó với bão số 6. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Văn Thắng, kiêm Phó trưởng Ban Thường trực ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục theo dõi và giám sát chặt chẽ tàu, thuyền; hướng dẫn neo đậu tàu thuyền vào nơi trú tránh, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện. Các địa phương căn cứ vào diễn biến của bão và tình hình cụ thể để chỉ đạo thực hiện việc cấm biển. Đồng thời chủ động kiểm tra đê điều, hộ đập, công trình đang thi công để có biện pháp đảm bảo an toàn về người và tài sản; rà soát phương án, sẵn sàng sơ tán dân cư ở các khu vực nguy hiểm; chỉ đạo, hướng dẫn chằng chống nhà cửa, kho tàng; triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn các công trình hồ chứa và vùng hạ du.
*Ngày 7/8, Bộ Y tế đã có công điện yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố và các đơn vị trực thuộc Bộ theo dõi sát diễn biến của bão số 6; có kế hoạch chủ động trong công tác phòng, chống, ứng phó kịp thời, chính xác, hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa, bão, sạt lở đất, lũ quét, lũ ống gây ra.
Sở Y tế các tỉnh, thành phố khẩn trương triển khai ngay các phương án bảo vệ; hỗ trợ hoặc di dời cơ sở y tế, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bệnh nhân, cán bộ y tế tại các vùng núi, vùng sông, suối. Lên kế hoạch chủ động sơ tán cơ sở y tế ở những vùng thấp, vùng trũng, vùng có nguy cơ bị ngập úng. Ở những khu vực chưa có điều kiện tổ chức di dời phải sẵn sàng các phương án giảm thiểu thiên tai, đảm bảo an toàn cho người và tài sản. Chủ động sẵn sàng nguồn nhân lực, vật tư, cơ số thuốc đáp ứng cao nhất cho công tác phòng chống lụt bão. Các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế đảm bảo sẵn sàng cơ số thuốc, hóa chất, thiết bị, phương tiện; phân công các đội y tế cơ động ứng trực, hỗ trợ kịp thời các địa phương khắc phục hậu quả.
Đến 9 giờ sáng 7/8, toàn bộ 10.579 phương tiện tàu, thuyền tại Quảng Ninh đã về nơi neo đậu, tránh trú bão an toàn. Không có tàu nào của tỉnh nằm trên đường di chuyển và vùng ảnh hưởng trực tiếp của bão.
Trên 10.400 phương tiện tàu thuyền công suất dưới 90 CV của tỉnh cũng đã về nơi neo đậu trong các vụng, vịnh, các đảo, bến cá, các bến sông và khu neo đậu tàu, thuyền của 12 huyện, thị xã trong tỉnh và các bến Cát Bà, Đồ Sơn (Hải Phòng).
Ứng phó với bão số 6, tỉnh Hà Tĩnh đã yêu cầu các địa phương, đơn vị có kế hoạch đảm bảo an toàn cho người dân vùng ven biển, cửa sông. Gần 3.900 tàu, thuyền của tỉnh hoạt động trên biển với trên 14.000 lao động đã nắm rõ hướng di chuyển của bão và vào nơi trú ẩn.
Các đoàn kiểm tra phòng chống lụt bão của tỉnh đã đến kiểm tra tại các xã ven biển thuộc huyện Nghi Xuân, Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên và Kỳ Anh; yêu cầu các địa phương kêu gọi tàu thuyền vào bờ trú bão, hướng dẫn người dân chằng chống nhà và lên phương án di dời dân ở các vùng xung yếu. Lãnh đạo tỉnh cũng đã kiểm tra công tác phòng chống bão lụt tại hồ chứa nước thủy điện Hố Hô và chỉ đạo huyện Hương Khê có phương án đối phó với mưa lũ vùng hạ lưu hồ chứa nước thủy điện Hố Hô, đồng thời yêu cầu các cơ quan, đơn vị và 12 huyện, thị xã, thành phố có kế hoạch đảm bảo an toàn cho người dân sinh sống ven biển, cửa sông, khu du lịch, lồng bè, khu nuôi trồng thủy sản.
Đến 12 giờ ngày 7/8, tất cả tàu, thuyền của tỉnh Nghệ An đã nhận được thông tin về bão số 6. Từ sáng 7/8, tỉnh đã yêu cầu các ngành, địa phương duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn; triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hồ chứa. Đối với các tuyến đường có nguy cơ ngập lụt, tỉnh đề nghị ngành giao thông phối hợp với chính quyền các địa phương duy trì trực 24/24 giờ, hướng dẫn giao thông, cảnh báo các vị trí sạt lở và bố trí sẵn người, phương tiện để khắc phục các sự cố về giao thông.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa cho biết: Đến 9 giờ ngày 7/8, tỉnh vẫn còn 137 phương tiện/411 lao động đang hoạt động trên biển. Tỉnh đã kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú bão an toàn trước 12 giờ ngày 7/8.
Các đồn biên phòng đã phối hợp với địa phương kêu gọi số lao động tại 2.156 chòi canh và lồng bè khu vực 6 huyện ven biển vào bờ trước 12 giờ ngày 7/8 để đảm bảo an toàn về tính mạng.
Tỉnh cũng đã có công điện khẩn gửi 6 huyện, thị xã ven biển, yêu cầu bằng các biện pháp tốt nhất thông báo cho tất cả các tàu cá, nhất là tàu có công suất từ 90 CV trở lên, tàu khai thác bằng nghề lưới rê khơi sát đáy, nghề câu khơi, nghề mành chụp... nắm được diễn biến của bão, chủ động phòng tránh và thoát ra khỏi vùng nguy hiểm.
Lãnh đạo tỉnh Nam Định đã có công điện yêu cầu các huyện, thành phố, sở, ngành khẩn trương triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm ứng phó với bão. Đồng thời, tỉnh cũng hoãn tất cả các cuộc họp trong ngày 7/8; cử 3 phó chủ tịch tỉnh xuống kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống bão tại 3 huyện ven biển.
Ban Chỉ huy PCLB & TKCN tỉnh cho biết, toàn bộ 2.089 tàu, thuyền của tỉnh đã được thông báo, kêu gọi vào nơi trú tránh bão. Các tuyến đê, kè xung yếu đã được gia cố an toàn trước thời điểm bão số 5 cách đây 4-5 ngày.
TTN-BMT