Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Về những định hướng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những tháng còn lại của năm 2013, trao đổi với phóng viên Báo Tin tức ngày 22/5, ông Vũ Viết Ngoạn (ảnh), Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, cho biết, cần có những chính sách kích thích tổng cầu cho nền kinh tế.

 

 

Thưa ông, có ý kiến cho rằng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2013 tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đều giảm và dự báo CPI cả nước có thể âm là dấu hiệu đáng lo ngại về tổng cầu của nền kinh tế. Ông có đồng ý với quan điểm này?


CPI tháng này tăng thấp không nằm ngoài dự đoán của các chuyên gia kinh tế, nguyên nhân bởi tổng cầu của nền kinh tế vẫn thấp, trong đó cầu đầu tư cũng như tiêu dùng đều thấp. Theo công bố mới đây, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội của Hà Nội tháng 4 chỉ tăng 1,7% so với háng trước và tháng 5 này dự kiến cũng tăng rất thấp. Tại TP Hồ Chí Minh, CPI tháng 5 giảm 0,16% so với tháng trước và chỉ tăng 0,66% so với đầu năm là minh chứng rõ nét cho sự suy giảm sức cầu của nền kinh tế và của người dân trong thời gian qua. Bên cạnh nguyên nhân từ mức tăng thấp của tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ, tốc độ tăng trưởng tín dụng thấp, giải ngân vốn ngân sách thấp... cũng là những yếu tố phản ánh nền kinh tế đang gặp vấn đề về tăng trưởng.


Tôi cho rằng, trong những tháng tới đây, CPI sẽ tiếp tục diễn biến ở mức thấp, không thể tăng cao do chưa có yếu tố nào đột phá để tăng tổng cầu một cách mạnh mẽ hơn. CPI dự báo sẽ tăng thấp còn do giá hàng hóa trên thế giới năm nay vẫn được dự báo ở mức thấp và không có tác động ảnh hưởng tới giá hàng hóa vào Việt Nam.


Tôi đồng tình với khuyến nghị của Ủy ban Kinh tế Quốc hội đưa ra hướng chính sách từ nay tới cuối năm là ưu tiên mục tiêu tăng trưởng GDP. Mục tiêu kiểm soát lạm phát trong năm nay mà Quốc hội đặt ra dưới 8% và Chính phủ đưa ra là 6 - 6,5% sẽ có khả năng đạt tốt. Vì vậy, lúc này chúng ta nên ưu tiên cho mục tiêu tăng trưởng GDP hơn là mục tiêu kiềm chế lạm phát.

 

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 5,5% trong năm nay thì cần có những giải pháp gì, thưa ông?


Tôi cho rằng, yếu tố hết sức quan trọng là phải tăng cường nguồn vốn cho đầu tư công. Tuy nhiên, đây là bài toán khó đối với Chính phủ vì cân đối ngân sách hiện rất khó khăn. Thêm nữa, cần có biện pháp thúc đẩy đầu tư của xã hội, nhất là đầu tư của doanh nghiệp vì tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức thấp.


Theo tôi, nếu duy trì tổng vốn đầu tư của xã hội năm nay ở mức 30% GDP thì mới có thể hy vọng đạt mục tiêu tăng trưởng GDP trong năm nay. Chúng ta phải tìm nguồn tiền để tăng đầu tư công, trong đó có thể ứng trước vốn phát hành trái phiếu của năm sau cho năm nay. Bên cạnh đó, chính sách tín dụng cũng cần phải có bước đột phá hơn nữa. Tôi đánh giá cao chính sách điều hành của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian qua với việc giảm lãi suất nhưng cũng cần tiếp tục giảm hơn nữa để khuyến khích DN tiếp cận vốn ngân hàng.

 

Nhiều ý kiến hiện nay cho rằng, nếu chúng ta không giải quyết được vấn đề hàng tồn kho, xử lý nợ xấu thì có tiếp tục hạ lãi suất thì DN cũng không dám vay vốn để đầu tư, ông nghĩ sao về việc này?


Tôi cho rằng, cái đó đúng một phần thôi. Đúng là hiện nay có không ít DN dù có cho họ vay lãi suất 0%/năm thì họ cũng không dám vay bởi họ đang gặp khó khăn về sản xuất, tiêu thụ. Tuy nhiên, hiện nay dư nợ tín dụng đang rất lớn nên việc tiếp tục giảm lãi suất cũng sẽ tháo gỡ được không ít khó khăn cho hàng trăm nghìn DN đang vay vốn ngân hàng với lãi suất cao. Đó là chưa kể, có những dự án được đánh giá là không hiệu quả nhưng nếu giảm lãi suất thì hiệu quả của dự án đó lại được phát huy. Chính sách tín dụng, giảm lãi suất vẫn là công cụ cần thiết để kích cầu tín dụng, đầu tư rất có ý nghĩa trong thời điểm này.

 

P.Liên - M.Phương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN