Ủy ban Bầu cử Thái Lan (EC) ngày 11/2 đã bất ngờ đưa ra đề xuất làm trung gian hòa giải cho các cuộc đàm phán giữa chính phủ và phong trào biểu tình.
Cảnh sát chống khủng bố Thái Lan làm nhiệm vụ ngày 10/2 |
Chủ tịch EC Somchai Srisutthiyakorn nhấn mạnh rằng chỉ có đàm phán mới giúp tháo gỡ được bế tắc giữa hai bên và có thể dẫn tới tổ chức một cuộc bầu cử mới để từ đó thành lập được Hạ viện. Việc tổ chức các vòng bỏ phiếu sẽ không mang lại kết quả tối thiểu đủ 95% số nghị sĩ (475 người) để tổ chức phiên họp đầu tiên tại Hạ viện nhằm bầu ra chính phủ và thủ tướng mới. Do vậy, EC cho rằng cơ hội duy nhất để thực hiện đúng hiến pháp là các bên đối đầu, đặc biệt là Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra và thủ lĩnh biểu tình phải tổ chức đàm phán.
Trước cuộc tổng tuyển cử ngày 2/2 vừa qua, EC từng đề xuất với các đảng phái chính trị về việc hoãn bỏ phiếu, nhưng không được chấp thuận. EC cho rằng chính phủ phải chịu trách nhiệm về thất bại này, mặc dù trên thực tế nhiệm vụ chính của cơ quan này là tổ chức cuộc bầu cử chứ không phải là đề xuất hoãn hay thay đổi ngày bầu cử đã định.
Theo kế hoạch, EC sẽ lại mời đại diện của chính phủ vào đầu tuần tới thảo luận cách thức hoàn tất bầu cử mà không vi phạm hiến pháp. EC dự kiến sẽ đề nghị chính phủ công bố một sắc lệnh của Hoàng gia nhằm ấn định ngày bầu cử mới cho 28 khu vực bỏ phiếu ở miền Nam chưa tổ chức đăng ký được ứng cử viên.
Cùng ngày 11/2, chính phủ tạm quyền Thái Lan đã thông qua dự thảo sắc lệnh hoàng gia, theo đó ấn định tổ chức bầu cử Thượng viện vào ngày 30/3 tới theo như đề nghị của EC.
Hà Linh (P/v TTXVN tại Thái Lan)