Ngày 20/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp bất thường, xem xét, thông qua Pháp lệnh về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại tòa án nhân dân. Dự thảo Pháp lệnh đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại cuộc họp trước, quá trình sửa đổi, tiếp thu cũng đã nhận được ý kiến tán thành của các cơ quan liên quan.
Theo dự thảo Pháp lệnh, việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính phải bảo đảm các nguyên tắc quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Khi xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, thẩm phán độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, cha mẹ hoặc người giám hộ của người bị đề nghị là người chưa thành niên có quyền nhờ luật sư hoặc trợ giúp viên pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Tòa án có trách nhiệm bảo đảm quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính. Tòa án có thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính là tòa án nhân dân cấp huyện nơi cơ quan đề nghị có trụ sở. Viện kiểm sát kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong quá trình xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính theo quy định của Pháp lệnh này.
Buổi làm việc ghi nhận các ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm đến sự tham gia của Viện kiểm sát trong việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính. Tổng hợp các ý kiến, kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu các ý kiến đóng góp, hoàn thiện dự thảo Pháp lệnh. Về vấn đề hiệu lực của Pháp lệnh, sửa đổi theo hướng đối với những vụ việc áp dụng trước 1/1/2014 thì áp dụng theo quy định cũ. Đối với những vụ việc sau thời điểm 1/1/2014 thì áp dụng theo Pháp lệnh mới.
Cuối buổi làm việc, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất thông qua Pháp lệnh này.
Quang Vũ