VAFI đề xuất 6 giải pháp cơ bản gia tăng nguồn cung ngoại tệ

Nhằm giúp nhanh chóng cải thiện cán cân thanh toán ngoại tệ, giảm thiểu đáng kể tình trạng nhập siêu và tăng nhanh dự trữ ngoại hối quốc gia… Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) đã kiến nghị 6 giải pháp cơ bản để gia tăng nguồn cung ngoại tệ.

Xóa bỏ thị trường vàng miếng, đã gia tăng được nguồn ngoại tệ cho ngân hàng. Ảnh: Lê Phú


Theo đó, VAFI đề xuất nhanh chóng xóa bỏ thị trường kinh doanh vàng miếng tự do nhằm ổn định thị trường tiền tệ, tăng giá trị VND, đồng thời là tiền đề để tăng dự trữ ngoại hối. Cụ thể trong thời gian qua, Ngân hàng nhà nước (NHNN) có thông điệp chỉ dẫn chính sách không để tồn tại thị trường kinh doanh vàng miếng tự do, tuy nhiên để đảm bảo quyền lợi của người dân, Nhà nước sẽ thu mua vàng khi người dân cần bán theo giá quốc tế thông qua hệ thống các công ty kinh doanh vàng được cấp phép. Mặc dù chỉ mới là thông điệp nhưng tình trạng đầu cơ vàng miếng gần như chấm dứt, góp phần ổn định tỷ giá. Điều này cho thấy, việc ban hành chính sách quản lý vàng miếng là cần thiết, và nếu thực hiện nhanh chính sách này, trong vòng khoảng 7 năm nữa, Nhà nước có thể tạo ra 1 nguồn cung ngoại tệ khoảng 15 tỷ USD, đồng thời giải phóng được 1 nguồn vốn “chết” khổng lồ để hướng luồng vốn tích trữ này đi vào sản xuất kinh doanh.

Thứ hai, trong bối cảnh thị trường chứng khoán hết sức ảm đạm như hiện nay, việc bán cổ phần một cách rộng rãi cho công chúng là hết sức khó khăn. Tuy nhiên, bán cổ phần nhà nước tại các doanh nghiệp qui mô vốn lớn, kinh doanh hiệu quả cho các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài (với giá quốc tế) vẫn khả quan. Thực tế đã chứng minh, những doanh nghiệp lớn như MobiFone, Bia Sài Gòn, Bia Hà Nội, Vinamilk… đều có nhiều nhà đầu tư nước ngoài hỏi mua với giá cao. Vì thế, VAFI đề xuất nên đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp có qui mô vốn lớn của Nhà nước, đồng thời nên có chủ trương bán bớt cổ phần nhà nước tại một số doanh nghiệp lớn cho các nhà đầu tư chiến lược để tạo điều kiện cải thiện chất lượng quản trị doanh nghiệp.

Thứ ba, cần các biện pháp cơ bản và biện pháp kỹ thuật để tăng cường thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường vốn VN. Như mở room (tăng tỷ lệ được nắm giữ cổ phần) cho nhà đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp niêm yết và trong ngành ngân hàng; cho phép các công ty quản lý quỹ nước ngoài thành lập các Quỹ đầu tư theo pháp luật trong nước nhưng huy động vốn trên thị trường quốc tế và coi các quỹ này là nhà đầu tư trong nước; cho phép nhà đầu tư nước ngoài được mua cổ phiếu phổ thông không có quyền biểu quyết (Non Votting Share).

Thứ tư, Nhà nước, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) không cần phải bỏ vốn để đầu tư xây dựng các loại hình nhà máy điện, bao cấp giá bán điện mà nên có chiến lược, chuyển từ tình trạng thiếu điện sang thừa điện một cách hợp lý để gia tăng việc thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Việc đáp ứng đủ nguồn điện cho sản xuất kinh doanh trong nước và cho xuất khẩu, đồng thời tận dụng những nguồn năng lượng thiên nhiên (chẳng hạn như năng lượng gió) là giải pháp lớn để cải thiện cán cân thanh toán ngoại tệ.

Thứ năm, đẩy mạnh hơn nữa công tác thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trong mấy năm gần đây, dòng vốn FDI vào Việt Nam để xây dựng các nhà máy làm hàng xuất khẩu đang gia tăng và có nhiều tiềm năng lớn. Nếu các bộ, ngành, địa phương tăng cường cải thiện hoạt động thu hút FDI, VAFI tin rằng hằng năm sẽ duy trì đều đặn trên 10 tỷ USD vốn FDI được giải ngân.


Thứ sáu, cần có thêm nhiều giải pháp hơn nữa để giảm thiểu đáng kể tình trạng nhập siêu, giảm nhập những hàng tiêu dùng xa xỉ, giảm nhập khẩu những mặt hàng trong danh mục không khuyến khích. Doanh nghiệp nhập khẩu muốn nhập hàng tiêu dùng xa xỉ, hàng không thuộc danh mục khuyến khích nhập khẩu cần phải xin giấy phép tại Ngân hàng nhà nước.

VAFI tin rằng, nếu thực hiện gần như tất cả các giải pháp trên, cộng với chính sách tài khóa hợp lý, chính sách tỷ giá và lãi suất “thông minh” thì trong 10 năm tới, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia xuất siêu và nguồn cung ngoại tệ sẽ được đảm bảo.

Hải Yên
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN