Vẫn chỉ có một mức điểm sàn

Mới đây, Bộ Giáo dục - Đào tạo đưa ra phương án có thể có 2 mức điểm sàn trong mùa tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay và nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Đại diện nhiều trường khẳng định, mấu chốt của việc khó tuyển sinh không nằm ở việc quy định một hay hai mức điểm sàn. Hơn nữa, nếu mức điểm sàn quá thấp sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng giáo dục.

 

Hạ điểm sàn để tăng nguồn tuyển?


Sau khi có ý kiến cho rằng, điểm sàn là điểm nghẽn trong công tác tuyển sinh của các trường ngoài công lập (NCL), gần đây, Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD - ĐT) đã lấy ý kiến góp ý rộng rãi nhằm cải tiến khâu này, giúp các trường NCL tuyển sinh dễ dàng hơn. Cụ thể, Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Bùi Văn Ga hé lộ phương án xác định 2 mức điểm sàn: điểm sàn trên và điểm sàn dưới (thay vì chỉ có một mức như vẫn áp dụng trong các mùa tuyển sinh trước đây). Ngay sau đó đã xuất hiện rất nhiều ý kiến trái chiều; trong đó, nhiều ý kiến lo ngại động thái này không khác nào hạ điểm sàn xuống mức thấp hơn nhằm tuyển được nhiều thí sinh hơn.


 

Thí sinh nghe phổ biến quy chế thi tại Hội đồng thi trường Cao đẳng Công nghệ Đà Nẵng trong kì thi tuyển sinh ĐH năm 2012. Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN

 

Lý giải phương án này, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng, quy định điểm sàn cũ có một số hạn chế. Theo đó, điểm sàn được xác định dựa vào chỉ tiêu của từng khối thi và dự báo khả năng dịch chuyển của thí sinh giữa các vùng miền, luôn ở mức cao hơn điểm bình quân của các môn thi mà thí sinh đạt được. Điều này dẫn tới thực trạng là nhiều trường không tuyển đủ thí sinh, trong khi nhiều thí sinh có nguyện vọng học các trường này nhưng điểm thi lại dưới mức điểm sàn nên không trúng tuyển. (Năm 2012, có khoảng 200.000 thí sinh thi ĐH có điểm dưới điểm sàn 2 điểm, trong khi chỉ tiêu còn thiếu của cả hệ ĐH, CĐ là 50.000).


Với phương án mới này, lãnh đạo Bộ GD - ĐT cho rằng, yếu tố chất lượng vẫn được lấy làm mục tiêu số 1. Với mức điểm sàn trên, tương đương mức như mọi năm, các trường tuyển được ít nhất 90% tổng chỉ tiêu. Những thí sinh đạt điểm thi thấp thì được tạo thêm cơ hội xét tuyển với điểm sàn dưới kèm theo kết quả thi tốt nghiệp phổ thông.


Phương án mới này được xem là một giải pháp để dung hòa ý kiến đòi bỏ hẳn điểm sàn của các trường NCL với quan điểm giữ nguyên điểm sàn để giữ vững chất lượng đầu vào. Tuy nhiên, nhiều ý kiến không nhất trí với phương án này.

 

Kiểm soát chỉ tiêu tuyển sinh


Ngay sau khi phương án mới được đưa ra, đại diện nhiều trường NCL khẳng định, mấu chốt của việc khó tuyển sinh không hẳn là do điểm sàn, mà là do không còn nguồn tuyển và đề nghị Bộ GD - ĐT tập trung kiểm soát việc các trường công lập đào tạo tràn lan, không đúng nhiệm vụ, gây thiếu nguồn tuyển cho các trường NCL.


Ông Đỗ Doãn Hải, Phó Hiệu trưởng ĐH Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị, đề xuất: Bộ GD - ĐT nên tập trung vào việc xét chỉ tiêu, trường nào bảo đảm được chỉ tiêu thì cho hoạt động, trường nào không bảo đảm được chỉ tiêu thì bỏ. Bộ cần yêu cầu các trường tuyển đúng chỉ tiêu. Nếu các trường công lập tuyển vượt chỉ tiêu, số dư ra phải để cho các trường NCL. Cùng quan điểm này, ông Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng ĐH FPT, cho rằng: Thay vì hạ điểm sàn, Bộ cần khống chế chỉ tiêu của các trường công lập để nâng cao chất lượng đào tạo; đồng thời, giúp các trường NCL có cơ hội tuyển đủ chỉ tiêu để bảo đảm điều kiện hoạt động.


Nguyên Hiệu trưởng CĐ Sư phạm Đà Lạt Nguyễn Mậu Thuyết cho rằng, việc mở trường tràn lan như thời gian qua ảnh hưởng lớn đến chất lượng giáo dục. Nhiều trường không tuyển đủ chỉ tiêu đã phải đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng. Do vậy, Bộ không nên tạo thêm cơ hội tuyển sinh cho những trường hoạt động không hiệu quả; thậm chí cần siết chặt việc mở trường, mở ngành tràn lan như hiện nay.


Về phía Bộ GD - ĐT, Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định, trong mùa tuyển sinh năm nay sẽ chỉ có một mức điểm sàn. Tuy nhiên, cách thức xác định điểm sàn có thể thay đổi. Cho tới nay, Bộ chưa quyết định phương án xác định điểm sàn cụ thể là như thế nào. Sau khi có kết quả thi của thí sinh, Hội đồng xét điểm sàn của Bộ sẽ họp bàn và đề xuất ý kiến để Bộ trưởng xem xét quyết định. Tuy vậy, Bộ sẽ vẫn tiếp nhận những ý kiến đóng góp của người dân và các chuyên gia giáo dục về các phương án xác định điểm sàn để tiếp tục nghiên cứu.

 

Hoàng Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN