Từ nhiều năm nay, xe buýt là phương tiện công cộng thông dụng, quan trọng ở một số thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM cũng như ở một số đô thị khác… Là một người thường xuyên đi xe buýt nên tôi để ý thấy mối quan hệ giữa hành khách và nhân viên xe buýt (tài xế và nhân viên bán vé) còn nhiều điều chưa tốt, chưa thật gần gũi, vui vẻ. Nhiều hành khách lên tiếng phàn nàn thái độ phục vụ của nhân viên xe buýt, với “lỗi” này thái độ nọ, kia… và quả thực cũng phải công nhận rằng, có không phải là ít nhân viên bán vé, cả lái xe luôn có những lời lẽ cư xử thiếu văn hoá với khách đi xe. Có những trường hợp, do khách ở quê ra, và họ chưa một lần đi xe buýt nơi thành phố, nên khi xuống xe họ không để ý là phải bấm đèn mới được xuống. Khi tới điểm, do không thấy lái xe cho xe dừng để xuống, người khách quê mùa vội kêu lên, thì bác tài xế buột miệng một câu cộc lốc: “Không bấm đèn! Có mắt không đấy!”. Chứng kiến cách cư xử như vậy tôi thấy buồn quá, vì đáng lẽ ra nếu như người khách không biết thì bác tài hay nhân viên bán vé nên nhẹ nhàng nhắc nhở để lần sau đi xe buýt người khách này cũng như nhiều người khách khác có mặt trên chuyến xe đó rút kinh nghiệm thì hay biết mấy(?!). Hay như, có một lần tôi thấy một bà lão chừng gần 70 tuổi, khệ nệ xách túi đồ và leo lên xe rất chậm chạp. Thay vì giúp bà lão xách đồ và dìu bà lên xe thì nhân viên bán vé quát tháo ầm ĩ lên: “Chậm chạp thế, lần sau đừng đi xe buýt nữa. Xe chạy có giờ chứ ai chờ được bà…”. Mặc dù bà lão nhẹ nhàng giải thích lý do già yếu và phải xách đồ…, nhưng cả nhân viên và lái xe vẫn lải nhải nói bà với những lời lẽ khó nghe! Thế nhưng, trên thực tế không phải nhân viên bán vé cũng như lái xe nào cũng có những biểu hiện thiếu thiện cảm, thiếu văn hóa như vậy, mà cũng có rất nhiều nhân viên, nhiều bác tài xế luôn tỏ ra thân thiện, nhiệt tình phục vụ, chỉ bảo đường đi, nơi xuống, chỗ chuyển xe, đón xe… cho khách rất tận tình. Trên một số tuyến buýt tôi thấy nhiều nhân viên bán vé luôn rất quan tâm tới phụ nữ có thai, người già và trẻ em, vì thế khi có các đối tượng “ưu tiên” này lên xe là họ đã chu đáo vận động những người trẻ nhường chỗ, nhất là những ghế ngồi phía gần cửa xuống để đến địa điểm xuống xe cho thuận tiện. Có nhân viên bán vé còn dìu và nâng đỡ người già, người tàn tật lên, xuống xe với một thái độ rất nhiệt tình, trách nhiệm. Thông thường, hành khách vẫn chỉ hay có thói quen đổ lỗi cho nhân viên, lái xe buýt chứ ít ai chịu nhìn thấy, thừa nhận những cái xấu, khuyết điểm của mình.
Chính vì vậy mà trước khi than phiền rằng nhân viên phục vụ thế này thế nọ, thì mọi hành khách hãy nhìn nhận mình xem đã thể hiện văn hóa, đúng mực hay chưa khi đi xe buýt (?!). Nhiều hành khách có thái độ coi thường nhân viên xe buýt, ăn nói lỗ mãng. Nhiều sinh viên đi vé tháng vẫn hay giở trò gian dối bằng cách dán tem giả, hoặc mượn vé của bạn rồi dán ảnh của mình vào…, và khi nhân viên bán vé phát hiện ra thì họ còn đối đáp với thái độ rất thiếu lịch sự. Có nhiều người hút thuốc trên xe, nói chuyện to tiếng, khi nhân viên nhà xe nhắc nhở, họ tỏ thái độ chống đối, thậm chí còn to tiếng cãi lại… Tôi còn chứng kiến không ít các bạn trẻ coi xe buýt là “ghế đá công viên”, là “phòng trọ của mình” khi ngả ngớn, ôm nhau và tình tứ theo thái độ tự nhiên thái quá.
Chứng kiến quá nhiều câu chuyện và sự việc trên những chuyến xe buýt đồng hành hàng ngày, tôi nghĩ rằng xây dựng nét văn minh cho xe buýt cần có sự chung tay của cả nhà xe lẫn hành khách, cả hai phía cần có sự tôn trọng lẫn nhau, để môi trường xe buýt luôn thân thiện, văn hóa…
Duy Hoàng