Diễn biến trên được cho bắt nguồn từ những lo ngại về triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu và những hy vọng vào chính sách tiền tệ lỏng hơn từ một số ngân hàng trung ương lớn sau khi châu Á và châu Âu liên tiếp đón nhận các số liệu kém lạc quan về hoạt động chế tạo.
Vào lúc 2 giờ 32 phút sáng 2/2 (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay tại thị trường Mỹ tăng 1%, lên 1.128,40 USD/ounce, sau khi “vọt” lên mức cao nhất kể từ ngày 3/11/2015 là 1.128,70 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng giao tháng 4/2016 cũng tăng 1%, lên 1.128 USD/ounce.
Chỉ số chế tạo của Trung Quốc trong tháng 1/2016 đã rớt xuống còn 49,4, mức thấp nhất kể từ năm 2012. Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tiếp tục giảm tốc sau khi Trung Quốc công bố mức tăng trưởng hàng năm thấp nhất trong 1/4 thế kỷ.
Trong khi đó, tăng trưởng sản lượng công nghiệp của Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) trong cùng kỳ cũng giảm tốc. Báo cáo mới nhất từ Chính phủ Mỹ cũng cho thấy hoạt động chế tạo của nền kinh tế lớn nhất thế giới không có khả năng phục hồi trong ngắn hạn, trong khi chi tiêu tiêu dùng của nước này cũng đi ngang trong tháng 12.
Ngoài ra, đà đi lên của giá vàng trong phiên này còn được hỗ trợ bởi sự suy yếu của đồng USD và nhận định mới đây của Phó Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Stanley Fischer rằng tình trạng bất ổn kéo dài có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới sức tăng trưởng và lạm phát của Mỹ.
Lượng vàng do Quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới (SPDR Gold Trust) nắm giữ đã tăng khoảng 4% trong tháng Một vừa qua, mức cao nhất trong vòng một năm trở lại đây.
Số liệu kinh tế Trung Quốc yếu kéo giá dầu đi xuốngDầu thô thế giới mất giá trong phiên giao dịch ngày 1/2 trong bối cảnh số liệu kinh tế của Trung Quốc ảm đạm và nhà đầu tư hoài nghi về khả năng các nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới có thể sớm đạt được một thỏa thuận hạ sản lượng.
Toàn cảnh nhà máy lọc dầu Big Spring, Texas, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN |
Khép lại phiên này, tại New York, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng Ba giảm 2 USD xuống 31,62 USD/thùng. Trong khi đó, tại London, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng Tư hạ 1,75 USD/thùng và đóng cửa phiên ở mức 34,24 USD/thùng.
Chỉ số nhà quản lý mua hàng (PMI) của Trung Quốc, thể hiện hoạt động của các nhà máy/các công xưởng, đứng ở mức 49,4 trong tháng Một. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 8/2012 và ở dưới mốc 50, ngưỡng phân định giữa tăng trưởng và suy giảm.
Tháng 1/2015 là tháng thứ sáu liên tiếp “thể trạng” ngành chế tạo của Trung Quốc sa sút, làm dấy lên quan ngại về tốc độ tăng trưởng chậm lại của quốc gia tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới này.
Nhà đầu tư cũng ngày càng hoài nghi về khả năng sớm diễn ra một thỏa thuận giữa Nga và các thành viên của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) về việc giảm sản lượng khai thác để làm vơi bớt nguồn cung dôi dư trên thị trường dầu mỏ.
Hoạt động bán ra cũng được đẩy lên trong phiên này khi một số nhà đầu tư muốn chốt lời sau khi giá dầu tăng trong hai tuần trước.