Sáng 18/6, tại cuộc họp giao ban tháng 5 về Quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát chỉ đạo: “Đối với rau quả nhập khẩu, phải đôn đốc, gia tăng tần suất kiểm tra, kiểm soát với thiện chí đấu tranh trong hợp tác, làm theo thông lệ quốc tế, tạo niềm tin giữa hai bên, chứ không lập hàng rào cấm, đặc biệt là đối với các nước láng giềng. Tuy nhiên, nếu thực sự có nguy cơ rủi ro đe dọa tính mạng con người, ắt phải cấm”.
Tại cuộc họp, nhiều đại biểu bày tỏ lo ngại khi đề cập thông tin do giới truyền thông Trung Quốc phát ra cho biết, nhiều nông dân nước này trồng táo đã bọc táo từ lúc còn non đến lúc chín bằng loại túi tẩm thuốc trừ sâu. Thông tin trên đã thổi bùng sự lo lắng của người tiêu dùng, không chỉ ở Trung Quốc mà còn ở nhiều quốc gia lân cận, trong đó có Việt Nam, vốn nhập rất nhiều táo Trung Quốc.
Táo Trung Quốc ế ẩm do có tin được bọc bằng túi tẩm thuốc trừ sâu. Ảnh: CTV |
Theo ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Bộ NN&PTNT), mặc dù về nguyên tắc, người tiêu dùng có thể yêu cầu chủ hàng xuất trình các giấy tờ nói rõ nguồn gốc xuất xứ nhưng nếu mua lẻ, khi hỏi giấy hầu hết các chủ hàng đều có câu trả lời “giấy tờ thì người nhập khẩu có chứ bán lẻ lấy đâu ra?”. Thậm chí người bán nói thẳng “có giấy tờ cũng chẳng đảm bảo được đúng là của lô táo này”.
Ông Nguyễn Như Tiệp khẳng định, trái cây nhập khẩu chính gốc đều có quy trình kiểm dịch, thủ tục hải quan nghiêm ngặt từ phía nước xuất và nước nhập. Cụ thể, trái cây từ Ôxtrâylia, Mỹ, Trung Quốc… muốn nhập vào Việt Nam phải có giấy kiểm dịch và giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ. Ngoài ra, khi vào Việt Nam, doanh nghiệp nhập khẩu phải có tờ khai hàng hóa nhập khẩu ghi rõ số lượng, chủng loại, nguồn gốc... được Hải quan xác nhận, có Giấy phép Kiểm dịch thực vật nhập khẩu cũng như chứng nhận kiểm dịch cho từng lô hàng.
Trước thông tin về táo Trung Quốc đang gây lo ngại trong dư luận, các nhà nhập khẩu cũng có những động thái rõ ràng. Trong đó, Nhật Bản tạm dừng không nhập táo từ vùng Sơn Đông, Trung Quốc; Inđônêxia cũng có nhiều hàng rào kiểm soát chặt chẽ táo Trung Quốc nhập vào. Còn đối với Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) khẳng định: Lượng táo Trung Quốc vào Việt Nam mùa này còn ít (nhập nhiều vào khoảng tháng 10 và tháng 3). Tuy nhiên, Cục cũng đã chỉ đạo các đơn vị kiểm dịch thực vật ở cửa khẩu kiểm soát chặt hơn, tần suất cao hơn. Cục đã tiến hành kiểm tra an toàn rau quả nhập khẩu tại 3 cửa khẩu khu vực phía Bắc; đồng thời cũng kết hợp với các phòng thí nghiệm lấy mẫu kiểm tra định tính, lượng hàng xung quanh khu vực ngay cửa khẩu để về làm định lượng tại Hà Nội. Bên cạnh đó, Cục Bảo vệ thực vật cũng đã bổ sung thêm danh sách các hoạt chất bắt buộc phải kiểm định dư lượng thuốc bảo vệ thực vật để tăng cường cho công tác kiểm soát hàng hóa nhập khẩu, trong đó có rau, củ quả...
“Chúng tôi đang yêu cầu lấy mẫu táo ở Hà Nội và TP.HCM để kiểm tra 2 chất mà Trung Quốc đã thông báo, từ đó sẽ đưa ra báo cáo kết quả trước ngày 22/6”, ông Nguyễn Xuân Hồng thông tin.
Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cũng khẳng định: Cục theo dõi rất sát thông tin từ phía các nhà chức trách Trung Quốc và được biết: Phía bạn cũng vào cuộc rất nhanh, trong đó có động thái tịch thu 2,7 triệu túi bọc táo, đồng thời xử lý bằng cách đóng cửa các xưởng sản xuất túi này. Cục trưởng Cục Lâm nghiệp Trung Quốc - đơn vị được Bộ Nông nghiệp Trung Quốc giao nhiệm vụ kiểm soát việc sản xuất túi này (sản xuất từ lá cây) cũng đã cho biết: Nhà nước Trung Quốc có hỗ trợ khuyến khích tiến bộ kỹ thuật sản xuất túi rẻ bán cho dân phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhưng không cho phép bỏ bất cứ loại thuốc nào vào. Trung Quốc cũng đã thông báo tên hai hoạt chất này và buộc các doanh nghiệp sản xuất túi này ngừng hoạt động.
Xung quanh việc xuất khẩu rau quả sang các nước Liên minh châu Âu (EU), Cục Bảo vệ thực vật đã tạm ngưng cấp phép cho 15 loại rau quả sang châu Âu, đồng thời tăng cường kiểm tra nhiều mặt hàng khác dù phía châu Âu chưa cấm. Thời gian tạm ngưng này kéo dài đến hết năm 2012. Theo ông Nguyễn Xuân Hồng, động thái này đã có tác động tích cực là 2 tháng qua không bị EU cảnh báo nữa.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát ủng hộ và cho rằng đây là biện pháp đúng, các doanh nghiệp cần biết hy sinh lợi ích trước mắt, để duy trì xuất khẩu tốt sang thị trường EU.
Mai Vân