Về trả lời chất vấn của Bộ trưởng Cao Đức Phát

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh):


Tôi tạm hài lòng với phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vì thực ra tôi mong Bộ trưởng có những giải pháp mạnh mang tính đột phá hơn nữa.


Ngành nông nghiệp giữ vài trò rất quan trọng trong nền kinh tế vì góp phần đảm bảo an sinh xã hội (trên 67% dân số sống ở nông thôn; 47,5% tổng số lao động là lao động trong nông nghiệp), góp phần cải thiện cán cân thương mại và tăng xuất khẩu; đồng thời kiềm chế lạm phát. Do đó, việc đảm bảo sự phát triển bền vững trong ngành nông nghiệp sẽ góp phần quan trọng trong việc ổn định kinh tế vĩ mô.


Tuy nhiên, vấn đề vướng mắc của ngành nông nghiệp hiện nay là “nguồn cung” lương thực đang thừa trong khi thị trường tiêu thụ lại chậm. Bởi vậy, theo tôi, lãnh đạo ngành nông nghiệp cần đưa ra những giải pháp mang tính đột phá như giảm lãi suất cho người nông dân (từ 10- 12% xuống còn 6%/năm) hoặc hỗ trợ tài chính trực tiếp cho người nông dân để giúp họ duy trì sản xuất cũng là duy trì “nguồn cung” lương thực trong tương lai. Thực tế, vừa qua chúng ta chủ yếu “chăm chút” tới hoạt động hỗ trợ gián tiếp trong lĩnh vực nông nghiệp như phát triển khoa học công nghệ, cải thiện cơ sở hạ tầng về thủy lợi…


Theo tôi, nếu hỗ trợ tài chính trực tiếp cho người nông dân thì sẽ giải quyết được hai vấn đề: Một là “kích cầu” tiêu dùng, hai là “kích cung”, tức là duy trì được nguồn sản xuất lương thực thực phẩm trong thời gian tới nhằm ngăn chặn nguy cơ xảy ra lạm phát khi nguồn cung khan hiếm. Đó là những giải pháp quan trọng trước mắt, còn về lâu dài, cần tái cơ cấu ngành nông nghiệp để đảm bảo sự phát triển ngày một bền vững hơn.


Phương Liên (ghi)

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng):


Tôi tương đối đồng tình với câu trả lời của Bộ trưởng Cao Đức Phát, nhưng một số ý chưa được làm rõ ví dụ như việc quản lý thuốc bảo vệ thực vật, an toàn thực phẩm, phân bón, giá cả. Đây là vấn đề không phải mới trong kỳ này mà tồn tại rất nhiều năm qua và sự chuyển biến rất chậm. Tôi đề nghị phải có biện pháp hữu hiệu. Bộ trưởng Cao Đức Phát trả lời là chưa khắc phục quyết liệt và với tình trạng này kỳ sau tôi vẫn đặt hỏi câu hỏi về việc giải quyết vấn đề tồn tại trong quản lý thuốc bảo vệ thực vật, an toàn thực phẩm, phân bón.

 

Đại biểu Triệu Là Pham (Hà Giang):


Chúng ta phải chủ động giống trong nước, không nên phụ thuộc vào nước ngoài, bởi không kiểm soát được chất lượng giống. Giống lúa lai xuất xứ nước ngoài tỷ lệ nảy mầm thấp, sức kháng sâu bệnh, chịu hạn kém nên có nhiều hạn chế, dẫn đến sử dụng giống lúa lai nhập khẩu hạn chế, năm tiếp theo, người nông dân không muốn sử dụng nữa, mà chuyển sang giống thuần. Việc không chủ động sản xuất giống lúa lai trong nước đã ảnh hưởng đến việc sử dụng giống lúa mới của nông dân.


Ở vùng cao, việc hỗ trợ trực tiếp là không hợp lý vì đồng bào có nhiều hạn chế trong việc mua bán và tiếp cận thị trường, khó phân biệt được giống nào tốt, vật tư nào đảm bảo. Như phân bón trên thị trường hiện nay, hàng giả có, hàng kém chất lượng cũng có. Do đó, nên có một đơn vị nào đó đứng ra cung ứng thì người dân tin tưởng hơn.


Với phần trả lời của Bộ trưởng Cao Đức Phát chiều 12/6, tôi thấy giải pháp phần nhiều là sẽ cố gắng. Với đà này thì hết nhiệm kỳ, các vấn đề của nông nghiệp hiện nay vẫn vậy. Một số phương án của Bộ trưởng Cao Đức Phát đưa ra là hợp lý. Bộ trưởng nên tiếp tục chỉ đạo quyết liệt theo đúng phương án của mình đã đưa ra.

 

Xuân Cường

Thống đốc NHNN giải đáp phần nào thắc mắc của cử tri

Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình không phải đăng đàn trước Quốc hội. Tuy nhiên trước đó, “tư lệnh” ngành ngân hàng đã báo cáo giải trình trước Quốc hội về chất vấn tại kỳ họp thứ 3, thứ 4 liên quan tới các vấn đề “nóng” của ngành.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN