Nhìn dáng vẻ khỏe mạnh, cách làm việc rất cẩn thận của anh Thắng, ít ai có thể ngờ rằng chỉ 5 năm trước, anh Thắng luôn trong tình trạng “thân tàn, ma dại”, suốt ngày trong đầu chỉ nghĩ đến “xoay” tiền để chích thuốc phiện. Bán hết đồ đạc trong nhà, “hết cửa” xin tiền, anh Thắng cùng bạn nghiện đi trộm cắp. Cảnh vào tù, ra tội với anh Thắng vì vậy trở thành cơm bữa. Hơn chục năm trời, anh Thắng bị người thân xa lánh, vợ con chán nản bỏ về bên ngoại. Sau khi được chọn tham gia Chương trình điều trị Methadone (4/2008), được hỗ trợ toàn bộ kinh phí khi đăng ký học nghề sửa chữa xe máy (1,5 triệu đồng/khóa), anh Thắng đã trở thành một con người khác hẳn. Hiện tại, anh Thắng không chỉ bỏ được ma túy, mà còn tìm lại được tổ ấm nhỏ tưởng như đã mất.
Theo chị Nguyễn Thị Thúy Hằng, Trưởng nhóm Tư vấn hướng nghiệp: “Không riêng gì anh Thắng, còn rất nhiều học viên nhiễm HIV khác đã được hướng nghiệp, hỗ trợ toàn bộ kinh phí học nghề (1,5 – 8 triệu đồng/khóa đào tạo) và tạo việc làm theo nhu cầu và mức độ phù hợp với khả năng và sức khỏe như: Sửa chữa ô tô, cắt tóc, nấu ăn, vẽ móng ngệ thuật, cắt may... Mỗi học viên còn được hỗ trợ thêm 200.000đồng/tháng học nghề”.
Chương trình hướng nghiệp và hỗ trợ việc làm này (do Chương trình cứu trợ khẩn cấp về phòng chống AIDS (Hoa Kỳ) tài trợ thông qua Tổ chức sức khỏe gia đình Quốc tế) đã được triển khai hơn 2 năm. Kết quả rất khả quan. Tuy nhiên, chị Hằng và các đồng nghiệp đang lo lắng không biết Chương trình có duy trì được tính bền vững hay không, vì theo kế hoạch thì việc tài trợ này sẽ kết thúc vào cuối năm nay.
Giám sát hiệu quả vốn vay
Kết quả Khảo sát nhu cầu việc làm và năng lực của người sống chung với HIV và người sau cai nghiện tại Hà Nội của Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Tổ chức Chemonics- Hà Nội) và cộng sự thực hiện cho thấy, việc tìm kiến công việc là một thách thức đối với hầu hết những người sống chung với HIV. Trong số 330 người được phỏng thì số thất nghiệp chiếm gần 60%. Một nửa những người được khảo sát thể hiện mong muốn được làm công việc như các đồng đẳng viên hoặc mở cửa hàng nhỏ để tự điều hành như sạp bán hoa quả, thức ăn, cắt tóc… Nhiều người mong muốn có công việc bán thời gian và không gò bó, nhưng 52% mong muốn có thu nhập từ 1,2 – 2,5 triệu đồng/tháng; 43% muốn ít nhất 2,5 triệu đồng/tháng. Những trở ngại khi họ đi tìm việc làm gồm: Điều kiện sức khỏe yếu, bị nhà tuyển dụng và đồng nghiệp kỳ thị, lịch làm việc mâu thuẫn với lịch điều trị, không có kinh nghiệm tìm, xin và làm việc, thiếu thông tin về các cơ hội việc làm, trình độ học vấn thấp…
Từ kết quả khảo sát này và sự phản hồi của một số trưởng nhóm tự lực cho thấy mô hình hỗ trợ toàn bộ kinh phí giúp người nhiễm HIV học nghề (như đã triển khai tại Hải Phòng) là một mô hình hay, song chỉ có thể áp dụng cho những bệnh nhân có sức khỏe và có nhu cầu học nghề. Đa phần người nhiễm HIV cần được vay vốn để có thể chủ động kinh doanh, tạo thu nhập ổn định.
“Để việc kinh doanh đạt hiệu quả, người nhiễm HIV cần quên đi rằng mình là người nhiễm HIV. Kể cả khi đi xin việc cũng vậy, cần phải khẳng định tôi là người có đủ năng lực đáp ứng được yêu cầu công việc. Dịch vụ hỗ trợ tạo việc làm cho người nhiễm HIV cần chú trọng tư vấn nghề nghiệp và hỗ trợ tâm lý xã hội, đào tạo kỹ năng sống, kỹ năng xin việc và làm việc, đào tạo nghề, tăng cường xây dựng mạng lưới hỗ trợ việc làm để tối đa hóa nguồn lực sẵn có của các trường, trung tâm dạy nghề, trung tâm giới thiệu việc làm, sàn giao dịch việc làm, doanh nghiệp…”, đại diện của Tổ chức Chemonics (Hà Nội), một tổ chức có nhiều kinh nghiệm trong việc tư vấn, hỗ trợ tạo việc làm cho người nhiễm HIV, khẳng định.
5 năm qua, nguồn lực tài chính mới chỉ đáp ứng 50% nhu cầu của công tác phòng chống HIV/AIDS, trong đó 83% nguồn lực là từ viện trợ quốc tế. |
Theo vị đại diện này, nếu người nhiễm HIV có nhu cầu thực sự và sẵn sàng làm việc thì vấn đề tạo nghề, tìm việc thông qua các tổ chức hỗ trợ việc làm như Chemonics sẽ không quá khó khăn. Tình trạng không xin được việc chỉ xảy ra với những người nhiễm HIV “kén” việc, thích tham gia các dự án, làm việc văn phòng, tham dự các khóa tập huấn, mức lương cao, công việc nhàn hạ, trong khi trình độ chuyên môn chưa đáp ứng được đòi hỏi của nhà tuyển dụng.
Bà Nguyễn Thị Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Phụ nữ Phòng chống HIV/AIDS và Chăm sóc Sức khỏe sinh sản, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam cho biết, từ sự hỗ trợ của các dự án quốc tế, nhiều năm nay Trung tâm đã thực hiện các dự án cho vay tín dụng cho người nghèo và người bị nhiễm HIV.
“Không nên hỗ trợ theo kiểu “cho không” vốn tạo việc làm vì sẽ tạo tâm lý ỉ lại. Điều quan trọng là tư vấn cho người nhiễm HIV nên đầu tư vốn vào lĩnh vực nào là hợp lý nhất. Sau đó, cần hướng dẫn họ sử dụng vốn hiệu quả. Trong quá trình đó, cần có sự giám sát chuyên nghiệp để đảm bảo vốn không bị thất thoát”, bà Bình chia sẻ kinh nghiệm triển khai các dự án cho vay vốn.
Theo bà Bình để hoạt động tạo việc làm cho người nhiễm HIV được bền vững, vẫn cần làm tốt công tác tuyên tuyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng nhằm giảm sự kỳ thị đối với người nhiễm HIV/AIDS. Đặc biệt, đã đến lúc, cần có những chính sách cụ thể hơn về vấn đề tạo nghề, tìm việc cho người nhiễm HIV. “Nếu không chú trọng vấn đề hỗ trợ vốn, đào tạo nghề và tạo việc làm cho người nhiễm HIV ngay từ bây giờ, e rằng khi các nguồn viện trợ quốc tế cho công tác phòng, chống HIV giảm mạnh vào năm 2015, e rằng sẽ có một bộ phận người nhiễm HIV gặp khó khăn. Nếu không có thu nhập ổn định, bị đẩy vào hoàn cảnh khốn khó, họ dễ dàng có các hành vi không an toàn. Như vậy dịch HIV/AIDS có nguy cơ lây lan rộng ra cộng đồng. Công tác phòng, chống đại dịch này ắt sẽ gặp khó khăn hơn gấp bội”, bà Bình lo ngại.
Phương Liên
Bài cuối: “Cần cơ chế khuyến khích doanh nghiệp sử dụng lao động có HIV”