88% số người nhiễm HIV bị lây bệnh qua đường máu và tình dục (chủ yếu do tiêm chích ma túy và hoạt động mại dâm). Giải quyết việc làm cho người cai nghiện hay đối tượng mại dâm, vì vậy, cũng chính là giải quyết đáng kể việc làm cho người nhiễm HIV.
Bà Đỗ Thị Ninh Xuân (ảnh), Phó Cục trưởng Cục Phòng chống Tệ nạn xã hội - Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, trao đổi với Tin Tức xung quanh vấn đề này.
Bà có thể cho biết, Cục Phòng chống tệ nạn xã hội đã và đang hỗ trợ gì cho đối tượng là những người nghiện ma túy và mại dâm tái hòa nhập cộng đồng?
Hiện nay, Nhà nước có chính sách hỗ trợ người nghiện ma túy và người mại dâm học nghề ở trung tâm 05, 06 và ở cộng đồng. Hiện nay có trên 50% các đối tượng tại các trung tâm được học nghề, còn ở cộng đồng, khi tham gia cai nghiện tại cộng đồng, họ được hỗ trợ học nghề tại nơi cư trú. Nếu họ thuộc diện xóa đói giảm nghèo thì được tham gia vay vốn theo diện hộ nghèo. Nếu họ lập được các dự án về việc làm thì được vay vốn tạo việc làm từ Chương trình Quốc gia tạo việc làm.
Tuyên truyền phòng chống HIV và tìm kiếm việc làm tại các điểm lao động ngoại tỉnh. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN |
Quá trình đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho các đối tượng này có gặp khó khăn gì không thưa bà?
Nguồn lực cho công tác cai nghiện hiện nay của nước ta còn hạn chế. Chi phí học nghề cho các đối tượng đang ở mức thấp. Trong trung tâm, họ chỉ được đào tạo nghề ở trình độ sơ cấp, học nghề ngắn hạn với thời gian dưới 1 năm, chưa có điều kiện đào tạo nghề cho các đối tượng này ở trình độ trung cấp. Ở cộng đồng cũng thế. Không thể hỗ trợ được vài triệu đồng/người, chỉ dừng lại ở mức chưa tới 100 USD/suất.
Về tạo việc làm, các cơ sở sản xuất chưa sẵn sàng tiếp nhận các đối tượng này hoặc nếu nhận vì trách nhiệm xã hội thì số lượng rất ít. Nguyên nhân, phần vì các chủ doanh nghiệp ái ngại, phần vì các đối tượng này sau quá trình bị nghiện, đã giảm sút hoặc thay đổi về sức khỏe và về mặt hành vi, nhân cách.
Theo bà, thời gian tới, làm thế nào để quá trình dạy nghề, tạo việc làm cho các đối tượng sau cai, đối tượng mại dâm phục hồi và người nhiễm HIV đạt hiệu quả hơn?
Như đã nói, công tác tạo việc làm cho các đối tượng đó còn hạn chế do các cơ sở sản xuất chưa sẵn sàng tiếp nhận họ, vậy muốn tạo được nhiều việc làm hơn cho họ, phải cho họ tiếp cận các cơ sở học nghề hoặc kèm nghề tại các cơ sở dịch vụ sẵn có ở cộng đồng. Biện pháp này là hợp lý vì hiện nay, người nghiện có nhu cầu học nghề rất đa dạng và họ cần gắn với gia đình để được giúp đỡ. Thêm nữa, phần lớn người nghiện đều ở trình độ văn hóa thấp.
Theo chính sách hiện hành, Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm sẽ giải quyết cho các doanh nghiệp vay, tùy vào số lượng lao động thu hút là nhiều hay ít, từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng. Thời gian tới, chính sách này phải phổ biến rộng rãi để nhiều người dân được biết. Đồng thời, phải có sự phối hợp giữa các doanh nghiệp và chính quyền thì mới giải quyết được việc làm cho người nghiện, mại dâm tái hòa nhập cộng đồng, người nhiễm HIV. Chính quyền địa phương - nơi xác nhận các dự án vay vốn của doanh nghiệp - cần đưa khuyến nghị để gắn trách nhiệm xã hội đối với doanh nghiệp, để doanh nghiệp nhận một tỷ lệ lao động nhất định là đối tượng đặc thù nêu trên.
Nếu muốn các doanh nghiệp nhận các đối tượng này thì nhà nước cũng cần phải có những chính sách khuyến khích (ví dụ, giảm thuế, hoặc với những doanh nghiệp sử dụng đất nông nghiệp phục vụ cho việc đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện thì không thu thuế đất nông nghiệp, và coi trọng việc tôn vinh họ trong xã hội).
Những người nghiện cần sống gần với gia đình. Chính vì vậy, nên có các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ cung cấp dịch vụ về tiểu thủ công, có sử dụng các lao động này. Nếu cấp huyện có một cơ sở sản xuất cho những người nghiện ma túy thì rất quý. Hoặc, có nhiều mô hình như: Doanh nghiệp của những người bình thường nhận các đối tượng vào làm, doanh nghiệp do chính người nghiện đứng ra mở và được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Những đối tượng này, khi đi tìm việc làm, phải được sự bảo lãnh của chính quyền hoặc các đoàn thể. Với từng đối tượng, mỗi người một hoàn cảnh, một năng lực, cần phải giải quyết theo từng trường hợp, nếu làm đồng loạt sẽ không có kết quả. Các đối tượng sau cai nghiện là những người đã trải qua quá nhiều tổn thương về sức khỏe, về tâm lý và rối loạn hành vi nên để họ có việc làm, vừa phải hỗ trợ vốn vừa phải hỗ trợ kỹ thuật, phải dìu dắt, hướng dẫn, động viên, chia sẻ, ủng hộ, khuyến khích họ với tất cả tình thương yêu. Nếu chỉ đầu tư tiền thôi thì sẽ không có hiệu quả.
Xin cảm ơn bà!
>>Ý KIẾN:
BS. Luật gia Trịnh Thị Lê Trâm, Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật và chính sách về y tế, HIV/AIDS, Hội Luật gia Việt Nam: Cần có chính sách cụ thể hỗ trợ các doanh nghiệp...
Hỗ trợ tạo nghề tìm việc cho người nhiễm HIV là một vấn đề rất quan trọng, nhu cầu việc làm đối với người nhiễm HIV là rất lớn.
Cần có chính sách cụ thể hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp nhận người nhiễm HIV vào làm việc như: Hỗ trợ vay vốn, đất đai… Ngoài ra, cũng nên tạo điều kiện cho người nhiễm HIV vay vốn, tạo việc làm để có thu nhập ổn định. Hiện nay, một số tỉnh đã thành lập quỹ phòng, chống HIV/AIDS nên hoàn toàn có thể trích một phần để cho người nhiễm HIV vay nếu họ trình được phương án kinh doanh hoặc việc làm khả thi, có khả năng hoàn lại vốn.
Hội Phòng, chống HIV/AIDS thành phố Hà Nội đã có sáng kiến thành lập Quỹ vay vòng vốn cho các nhóm tự lực là chi hội thành viên của Hội được vay, không tính lãi. Số vốn được vay tuy ít ỏi nhưng đã hỗ trợ cho người nhiễm HIV có thể phụ vào để chăn nuôi, làm nghề phụ, giúp họ ổn định được cuộc sống gia đình.
|
Mạnh Minh (thực hiện)