Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đã trao đổi với Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long về các biện pháp phòng chống, công tác điều trị bệnh nhân dương tính với virus Zika trong bối cảnh người dân hoang mang do Việt Nam đã ghi nhận 2 trường hợp dương tính với virus Zika tại tỉnh Khánh Hòa và Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó có mô trường hợp đang mang thai 2 tháng.
Tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng báo cáo tình hình dịch bệnh tại cuộc họp khẩn trực tuyến Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh ở người chiều 30/3. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN |
* Việt Nam đã phát hiện 2 trường hợp dương tính với virus Zika, vậy xin ông cho biết về nguy cơ lây nhiễm bệnh này ở nước ta hiện nay? Khả năng lây nhiễm virus Zika tại Việt Nam hiện nay, đặc biệt là tại Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Khánh Hoà là rất cao. Bởi vì, Việt Nam đã có bệnh nhân dương tính với virus Zika ở 2 địa phương nêu trên; đồng thời véc tơ truyền bệnh của virus Zika rất phổ biến tại các địa phương đó là muỗi vằn. Đặc biệt, Việt Nam hiện đang nằm trong vành đai sốt xuất huyết, sự lưu hành của muỗi vằn rất lớn.
Bên cạnh đó, việc phòng chống bệnh sốt xuất huyết ở nước ta chưa có biện pháp đặc hiệu mà biện pháp phổ biến hiện chỉ là diệt lăng quăng, bọ gậy và đòi hỏi sự tham gia tự giác của mọi người dân. Chính vì vậy, khả năng lây lan dịch bệnh do virus Zika tại nước ta là rất lớn.
* Trước tình hình trên, Bộ Y tế đã có biện pháp như thế nào để khoanh vùng và xử lý ổ dịch tại những địa phương đã có virus Zika, thưa ông? Cách đây hơn một tuần, Bộ Y tế đã nâng mức độ cảnh báo đối với toàn hệ thống y tế để tăng cường giám sát, phòng chống dịch bệnh. Trước đó, Bộ Y tế đã triển khai chiến dịch người dân tự diệt lăng quăng, bọ gậy để phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika và sốt xuất huyết.
Bộ Y tế cũng đã yêu cầu các địa phương nâng mức cảnh báo lên mức độ 2 mặc dù thời điểm đó chưa có trường hợp nhiễm virus Zika nhưng đã coi như đã có dịch. Đến thời điểm hiện nay, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương nâng mức độ cảnh báo lên mức độ 2. Ở mức độ cảnh báo 2 có rất nhiều biện pháp bao gồm từ vấn đề về ban chỉ đạo, truyền thông đến vấn đề về dự phòng, khoanh vùng, xử lý ổ dịch, chuẩn bị về trang thiết bị, cơ sở điều trị về con người và thuốc.
Bộ Y tế đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường hướng dẫn về mặt giám sát, điều trị đối với bà mẹ mang thai. Bộ Y tế cũng đã chuẩn bị tất cả các cơ sở để xét nghiệm được virus Zika; đồng thời, chỉ đạo các địa phương triển khai quyết liệt các biện pháp phòng bệnh.
Đặc biệt tại Khánh Hòa và Thành phố Hồ Chí Minh, ngành y tế phối hợp với địa phương tổ chức khoanh vùng ổ dịch và dập dịch càng sớm càng tốt để hạn chế đến mức thấp nhất sự lây lan virus Zika ra cộng đồng. Ngay trong sáng 5/4, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng đoàn công tác đã vào Thành phố Hồ Chí Minh và Khánh Hòa để trực tiếp chỉ đạo triển khai kịp thời các biện pháp phòng chống dịch bệnh do virus Zika.
* Đối với 2 địa phương đã phát hiện người nhiễm virus Zika thì có biện pháp xử lý cụ thể như thế nào tại gia đình và cộng đồng xung quanh để tránh lây nhiễm tiếp? Khuyến cáo chung đối với cộng đồng đó là toàn bộ người dân, đặc biệt là miền Nam và miền Trung hiện nay chuẩn bị bước vào mùa mưa là thời gian cao điểm để lưu hành muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết, vì vậy việc đầu tiên là diệt lăng quăng và bọ gậy, lật úp tất cả những vật phế thải, những vật chứa nước không cần thiết; thả cá vào bình đựng nước ăn; đồng thời triển khai nhiều biện pháp khác.
Đối với 2 khu vực phát hiện người nhiễm virus Zika, Bộ Y tế đã chỉ đạo Viện Pasteur và UBND tỉnh khoanh vùng ổ dịch trong bán kính 200m để điều tra dịch tễ và đồng thời triển khai tất cả các biện pháp từ khuyến cáo đối với người dân đến tổ chức phun hoá chất diệt muỗi trên diện rộng để kiểm soát tình hình dịch tại khu vực trên.
* Trong số 2 bệnh nhân dương tính với virus Zika có một thai phụ, vậy bệnh do virus có ảnh hưởng đến thai chưa? Thứ trưởng có khuyến cáo gì đối với phụ nữ mang thai nước ta hay không? Người dân không nên lo lắng quá mức về hội chứng não nhỏ. Bởi vì ngay đến thời điểm hiện nay, các nước có ghi nhận hội chứng đầu nhỏ mà cụ thể là Brazil thì trong hơn 6.000 trường hợp não nhỏ chỉ có hơn 900 trường hợp nghi liên quan đến virus Zika.
Như vậy, không phải tất cả các trường hợp nhiễm virus Zika đều gây hội chứng não nhỏ và không phải tất cả các trường hợp não nhỏ đều liên quan đến virus Zika. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn đang tiếp tục nghiên cứu để có bằng chứng sát thực về mối liên quan giữa chứng não nhỏ với virus Zika.
Trường hợp nhiễm virus Zika có thai 2 tháng tuổi tại Thành phố Hồ Chí Minh đã được Bộ Y tế chỉ đạo hệ thống sản nhi có hướng dẫn và theo dõi sức khỏe của mẹ và thai nhi. Đồng thời, các cơ sở khám chữa bệnh hướng dẫn các bà mẹ mang thai trong 3 tháng đầu có biểu hiện sốt, phát ban, triệu chứng viêm kết mạc thì lập tức đến các cơ sở y tế để được theo dõi. Các cơ sở y tế từ tuyến tỉnh trở nên đều có đủ khả năng theo dõi sức khỏe của thai nhi và khi phát hiện các dấu hiệu bất thường nào của thai nhi các bác sỹ sẽ cùng gia đình thảo luận để có giải pháp tốt nhất.
* Vậy công tác điều trị, đặc biệt là với các bệnh nhân đã nhiễm virus Zika được tiến hành như thế nào, thưa Thứ trưởng?
Cho đến thời điểm hiện nay, bệnh do virus Zika vẫn không có vắc xin và không có thuốc điều trị đặc hiệu. Tuy nhiên, bệnh có một đặc trưng là diễn biến thường nhẹ và chưa ghi nhận trường hợp tử vong do virus Zika mà chỉ là tử vong do não nhỏ.
Trước tình hình trên, để tăng cường hoạt động điều trị, Bộ Y tế đã ban hành phác đồ về chẩn đoán và điều trị virus Zika tại các cơ sở y tế và tổ chức tập huấn đối với các cơ sở y tế. Hiện nay, các cơ sở y tế đã nắm được phác đồ điều trị virus Zika và chuẩn bị đầy đủ về thuốc men, trang thiết bị cơ sở vật chất và hóachất trong xét nghiệm.
Tôi có thể khẳng định, Việt Nam đã sẵn sàng ứng phó đối với các tình huống xảy ra để phòng chống dịch bệnh do virus Zika.
* Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng.