Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự kỳ họp. Ảnh: Hoàng Hoa/TTXVN. |
Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, Hội đồng Chấp hành WHO là nơi đề xuất và thảo luận các chính sách lớn về y tế trên toàn cầu, thường họp 2 lần mỗi năm (vào tháng 1 và tháng 5 ngay sau khi kết thúc Đại Hội đồng WHO). Các chính sách y tế được đưa ra tại Hội đồng Chấp hành sau đó sẽ được thông qua tại Đại Hội đồng Y tế Thế giới, làm cơ sở pháp lý để các quốc gia thành viên và WHO triển khai thực hiện.
Hội đồng Chấp hành WHO gồm 34 quốc gia thành viên, đại diện cho 6 khu vực trên thế giới (châu Âu, châu Phi, Đông Địa Trung Hải, Đông Nam Á, Tây Thái Bình Dương). Việt Nam tham dự kỳ họp lần thứ 140 Hội đồng Chấp hành WHO với tư cách là thành viên chính thức của Hội đồng nhiệm kỳ 2016 - 2019, đại diện cho 37 quốc gia và vùng lãnh thổ thành viên WHO tại khu vực Tây Thái Bình Dương.
Một trong các chương trình nghị sự của Hội đồng Chấp hành WHO lần thứ 140 là lựa chọn các ứng viên ưu tú cho chức danh Tổng Giám đốc WHO, nhiệm kỳ 2017 - 2022.
Hội đồng Chấp hành của WHO đã nghiên cứu hồ sơ, rà soát các tiêu chuẩn và lựa chọn được 5 ứng cử viên để các thành viên Hội đồng Chấp hành phỏng vấn trực tiếp.
Sau quá trình phỏng vấn, Hội đồng Chấp hành đã lựa chọn thông qua bỏ phiếu 3 ứng cử viên xuất sắc nhất giới thiệu vào vị trí Tổng Giám đốc của WHO là Tedros Adhanom Ghebreyesus của Ethiopia, được nhiều phiếu bầu nhất (30 phiếu), ứng viên người Pakistan, bà Sania Nishtar (Xa-ni-a Ni-sta) với 28 phiếu và ứng viên người Anh, ông David Nabarro 18 phiếu. Đại Hội đồng Y tế Thế giới , diễn ra vào tháng 5/2017, sẽ tiến hành bầu chọn trong số 3 ứng viên kể trên người đảm trách vị trí Tổng giám đốc WHO kể từ ngày 1/7/2017.
Ngoài nội dung lựa chọn các ứng viên ưu tú cho chức danh Tổng Giám đốc WHO nhiệm kỳ 2017 - 2022, chương trình nghị sự của kỳ họp lần thứ 140 Hội đồng Chấp hành WHO còn đề cập tới các nhóm vấn đề: chuẩn bị, giám sát và ứng phó (bao gồm ứng phó với các sự kiện y tế công cộng khẩn cấp như dịch bệnh Ebola, Zika, kháng kháng sinh...); tăng cường hệ thống y tế (giải quyết các vấn đề về nhân lực y tế, hiến máu và mô tạng, thuốc và vaccine, sở hữu trí tuệ, sức khỏe người di cư); phòng chống bệnh truyền nhiễm (thông qua kế hoạch toàn cầu về vaccine, ứng phó với các bệnh do véc-tơ truyền); phòng chống các bệnh không lây nhiễm (suy giảm trí nhớ, béo phì, ung thư...); tăng cường sức khỏe trong suốt các giai đoạn của cuộc đời và các vấn đề tài chính, nhân sự và quản trị.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, đây là các vấn đề y tế toàn cầu để các quốc gia cùng thực hiện nhằm tăng cường sức khỏe người dân và hướng đến sự phát triển bền vững, đồng thời cũng là các nội dung y tế chính sẽ được ra thảo luận và thông qua tại Đại hội đồng Y tế Thế giới diễn ra vào tháng 5/2017.
Với vai trò thành viên chính thức của Hội đồng Chấp hành từ tháng 5/2016, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và đoàn đại biểu của Bộ Y tế đã tích cực đóng góp cho các nội dung của cuộc họp về các vấn đề y tế toàn cầu và khu vực. Nhiều tham luận của Việt Nam đối với các nội dung của cuộc họp được các thành viên của Hội đồng Chấp hành đánh giá cao, góp tiếng nói của các nước đang phát triển vào việc xây dựng các chính sách y tế trên toàn cầu.