Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, tại kỳ họp, hai bên nhất trí đánh giá quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Bỉ đã đạt nhiều kết quả tích cực kể từ sau kỳ họp lần thứ 4 Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam-Bỉ về hợp tác kinh tế năm 2017.
Thứ trưởng Vũ Đại Thắng đánh giá cao nỗ lực của hai bên trong việc thúc đẩy hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực thương mại, đầu tư, hợp tác phát triển, giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ, nông nghiệp, hợp tác với các vùng Flanders và Wallonie- Bruxelles của Bỉ, trong đó nổi bật là việc ký kết Thỏa thuận đối tác chiến lược trong lĩnh vực nông nghiệp và Thỏa thuận hợp tác song phương giữa Chính phủ Việt Nam và Chính quyền vùng Flanders nhân chuyến thăm Bỉ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào tháng 10/2018, việc tổ chức thành công kỳ họp lần thứ 10 Ủy ban Hỗn hợp thường trực giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Liên minh Wallonie-Bruxelles, vùng Wallonie và Ủy ban Cộng đồng nói tiếng Pháp vùng thủ đô Bruxelles vào tháng 11/2018 thông qua danh mục 25 dự án hợp tác giữa Việt Nam và Wallonie-Bruxelles giai đoạn 2019-2021.
Về thương mại, Vương quốc Bỉ hiện đứng thứ 6/27 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) có quan hệ thương mại với Việt Nam, với tổng kim ngạch trao đổi hai chiều năm 2018 lên tới 2,88 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất sang Bỉ đạt 2,4 tỷ USD, tăng 6,8% so với năm 2017. Hai bên đánh giá cao sự phát triển trong quan hệ hợp tác thương mại giữa Việt Nam với 3 vùng của nước Bỉ là Flanders, Wallonie-Bruxelles và vùng Thủ đô Bruxelles, đồng thời thống nhất tiếp tục thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ này.
Về thương mại nông sản, kim ngạch trao đổi hai chiều năm 2018 đạt xấp xỉ 413 triệu USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Bỉ chủ yếu là thủy sản, cà phê, hạt điều, hạt tiêu, gạo, gỗ cùng các sản phẩm từ gỗ và nhập khẩu sữa và các sản phẩm từ sữa, thức ăn gia súc, nguyên liệu, thuốc trừ sâu và phân bón các loại của Bỉ. Việt Nam đã mở cửa cho thịt bò và quả lê tươi từ Bỉ vào thị trường Việt Nam. Phía Bỉ cũng đã mở cửa tự do cho mặt hàng rau củ của Việt Nam và thực hiện chế độ hậu kiểm.
Liên quan đến Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA) giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu (EU), Thứ trưởng Vũ Đại Thắng bày tỏ mong muốn Vương quốc Bỉ với vai trò quan trọng ở châu Âu sẽ ủng hộ và tích cực vận động để EU sớm phê chuẩn các hiệp định.
Trong khuôn khổ Thỏa thuận đối tác chiến lược trong lĩnh vực nông nghiệp, hai bên nhất trí phối hợp chặt chẽ để tạo thuận lợi hóa thương mại, thành lập cơ chế trao đổi thương mại, thúc đẩy xuất nhập khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản thông qua kết nối các vùng nguyên liệu với các cảng biển và cơ sở logistic của Bỉ và Việt Nam, triển khai thực hiện chuỗi giá trị đối với các sản phẩm cà phê, ca cao, chăn nuôi, thủy sản và rau quả.
Về hợp tác đầu tư, tính đến ngày 30/9/2019, Vương quốc Bỉ có 70 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 1,03 tỷ USD, đứng thứ 23/132 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Các dự án tập trung chủ yếu vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản, cấp nước và xử lý nước thải, công nghiệp chế biến chế tạo, dịch vụ lưu trú, sản xuất phân phối điện, khí nước điều hòa, nông-lâm nghiệp, thủy sản. Tại cuộc họp, phía Việt Nam mong muốn Chính phủ Bỉ, vùng Flanders, Wallonie-Bruxelles và vùng Thủ đô Bruxelles thúc đẩy các doanh nghiệp Bỉ đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực Bỉ có tiềm năng, có lợi thế cao với các quốc gia khác. Phía Bỉ khẳng định sự quan tâm đầu tư vào Việt Nam.
Trong lĩnh vực hợp tác phát triển, các cơ quan Việt Nam và Cơ quan phát triển Bỉ (ENABEL) đã hoàn thành toàn bộ 12 dự án sử dụng viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Bỉ trong khuôn khổ Chương trình Hợp tác định hướng Việt Nam-Bỉ giai đoạn 2011-2015 (ICP 2011-2015). Phía Bỉ khẳng định trong thời gian tới, quan hệ hợp tác phát triển giữa hai nước sẽ mở ra các kênh và phương thức hợp tác mới thông qua các tổ chức phi chính phủ, các vùng, quan hệ đối tác giữa các trường đại học và viện nghiên cứu của hai nước.
Kết thúc kỳ họp, hai bên khẳng định sẽ tiếp tục củng cố, tăng cường, làm sâu sắc và toàn diện hơn nữa quan hệ hợp tác Việt Nam – Bỉ trên các lĩnh vực từ kinh tế, thương mại, đầu tư, hợp tác phát triển, khoa học- kỹ thuật, giáo dục-đào tạo.