Ngày 5/4, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khẳng định không có dấu hiệu cho thấy các trường hợp nhiễm virus cúm gia cầm H7N9 ở Trung Quốc là do lây từ người sang người, song không thể loại trừ khả năng loại virus này đã lây lan theo cách thức tương tự như chủng virus H5N1.Trước diễn biến của virus cúm H7N9, các biện pháp kiểm gia, giám sát ở Trung Quốc được thắt chặt. AFP/ TTXVN |
Trong cuộc họp báo tại thành phố Geneva của Thụy Sỹ, người phát ngôn WHO Gregory Hartl nói rõ căn cứ vào 14 trường hợp được xác nhận nhiễm virus H7N9 ở Trung Quốc, có thể khẳng định không có dấu hiệu lây từ người sang người và không có mối liên hệ có thể dẫn đến đại dịch. Tất cả 400 trường hợp tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm virus đang được theo dõi chặt chẽ nhằm xác định có thêm trường hợp nào lây nhiễm, hoặc có trường hợp nào lây nhiễm từ người khác hay không. Ông nhấn mạnh do đã có thông báo về một số trường hợp người tiếp xúc bị sốt nên việc kiểm tra sức khỏe đối với tất cả những người tiếp xúc với bệnh nhân là việc làm quan trọng để xác định nguồn gốc gây bệnh là từ động vật, người, hay môi trường.
Theo ông Hartl, trong số 14 người nhiễm virus H7N9 có một người chuyên giết mổ gia súc và một người bán thịt lợn ở chợ. Tuy nhiên, hơn 16.000 con lợn chết và bị thả trên các con sông quanh thành phố Thượng Hải không liên quan đến các trường hợp nhiễm virus H7N9. Ông cho biết giới chức Trung Quốc đã tăng cường các biện pháp giám sát và tiến hành xét nghiệm đối với những trường hợp có biểu hiện sốt không rõ nguồn gốc.
Tuy nhiên, ông Hartl lưu ý rằng trong số hơn 600 trường hợp nhiễm virus H5N1 đã có 5 trường hợp lây từ người sang người, vì vậy khả năng này cũng có thể xảy ra với virus H7N9.
Các chủng virus cúm gia cầm như H5N1 xuất hiện nhiều trong vài năm gần đây, và có thể lây lan từ gia cầm sang gia cầm, từ gia cầm sang người, song nhìn chung không lây từ người sang người. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong ở những người nhiễm cúm gia cầm lên tới 60%, cao hơn tỷ lệ người chết vì cúm lợn H1N1.
TTXVN/Tin Tức