Virút corona mới nguy hiểm hơn virút gây bệnh SARS 200

Từ tháng 9/2012 đến ngày 24/2/2013, thế giới đã ghi nhận 12 ca nhiễm virút corona, trong đó 7 trường hợp tử vong (tương tương với 58,3%). Liệu dịch bệnh này có lây lan rộng trong thời gian tới? GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ đã trao đổi với Tin tức xung quanh vấn đề này.

´Chủng virút corona mới có nguy hiểm hơn chủng virút corona gây dịch SARS năm 2003 không? Liệu có nguy cơ bùng phát một dịch bệnh hô hấp trên diện rộng không, thưa GS?


Dựa trên thực tế thế giới ghi nhận 12 ca nhiễm virút corona mới có thể khẳng định: Chủng virút corona mới này nguy hiểm hơn chủng virút corona gây bệnh SARS năm 2003. Tỷ lệ bệnh nhân tử vong khi mắc bệnh này rất cao, tương đương 58,3%; trong khi đó, tỉ lệ tử vong do mắc dịch SARS năm 2003 chỉ khoảng 10%. Các nhà khoa học đang tiếp tục nghiên cứu nhằm xác định rõ nguồn gốc của virút, phương thức lây truyền và hình thái lâm sàng của bệnh. Hiện chúng ta vẫn chưa rõ cơ chế nhiễm virút corona mới này như thế nào.


Đến nay, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn nhận định rằng, mặc dù có thể có sự lây truyền từ người sang người nhưng nguy cơ nhiễm virút corona mới này trong cộng đồng hiện rất thấp.


WHO đề nghị các nước tiếp tục tăng cường giám sát các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính nặng, đặc biệt các ca bệnh bất thường. Cần phải xét nghiệm để phát hiện những bệnh nhân hay chùm ca bệnh nhiễm virút corona mới, đặc biệt là ở cán bộ y tế có biểu hiện bệnh đường hô hấp cấp tính nặng tiến triển không giải thích được và không đáp ứng với điều trị. WHO không khuyến cáo xét nghiệm sàng lọc tại các cửa khẩu và không hạn chế đi lại hay thương mại.

 

´Việt Nam có khả năng giám sát, phát hiện và điều trị cho bệnh nhân nhiễm virút corona không, thưa GS?


Kể từ sau năm 2003, với sự hỗ trợ của WHO và Trung tâm kiểm soát và phòng bệnh Hoa Kỳ, Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ đã triển khai Chương trình giám sát quốc gia về cúm mùa và viêm phổi nặng do virút đối với 12 chủng virút khác nhau, trong đó gồm các virút corona. Đến nay, chúng ta chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm virút corona.


Theo tôi, với kinh nghiệm trong giám sát, điều trị và phòng chống SARS 10 năm trước đây, Việt Nam hoàn toàn có khả năng kiểm soát tốt được bệnh này.

 

´Theo GS, người dân cần làm gì để phòng lây nhiễm virút corona mới? Khi nào cần đến khám tại cơ sở y tế để tránh những biến chứng đáng tiếc?


Mặc dù cho đến nay chưa có bằng chứng chứng minh chủng virút mới này lây truyền từ người sang người nhưng chúng ta vẫn phải tăng cường giám sát chặt chẽ các trường hợp nhiễm trùng hô hấp cấp tính nặng ở các bệnh viện, đặc biệt là các chùm ca bệnh nặng bất thường, lấy bệnh phẩm xét nghiệm kịp thời nhằm phát hiện được chủng virút mới này.


Người dân cần chủ động áp dụng biện pháp phòng chống các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính bao gồm: Hạn chế tiếp xúc gần với người có biểu hiện mắc bệnh hô hấp cấp tính. Khi có dịch cúm, hạn chế thời gian ở nơi đông người, tránh đưa tay lên mũi và miệng, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc sát trùng bằng cồn. Làm thông thoáng nơi ở và nơi làm việc. Lau chùi thường xuyên bề mặt, dụng cụ đồ vật quanh người bệnh bằng các chẩt tẩy rửa thông thường. Nâng cao sức khỏe bằng việc ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý và tập luyện thể thao.


Khi bị hội chứng nhiễm trùng hô hấp cấp tính nên đeo khẩu trang để hạn chế lây truyền bệnh cho những người xung quanh. Nếu có biểu hiện sốt cao, ho, khó thở thì cần đến cơ sở y tế ngay để được khám và điều trị kịp thời.


Xin cảm ơn GS!


Phương Liên (thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN