Cho chai rượu", vừa phanh gấp chiếc xe máy mới coong chưa lắp biển trước lều bán hàng tạp hóa, cậu bé khoảng 14 - 15 tuổi, người dân tộc Khơ Mú vừa nói như quát khiến chúng tôi giật nảy mình.
Đúng lúc đó, một cậu bé khác cũng đỗ khựng xe và đi thẳng vào quán, trên tay cầm tờ 100.000 đồng với cái vỏ chai Coca Cola "khổng lồ" bằng nhựa. Hỏi mới biết hai thanh niên "choai choai" này vào quán mua rượu và mấy lạng gan, lòng lợn về cho người thân nhắm.
Rượu và những món nhậu là thực phẩm bán chạy nhất ở Hát Mé. |
Đó là những hình ảnh chúng tôi bắt gặp trên đường đến bản tái định cư Hát Mé, xã Mường Mô, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu, sau gần chục cây số ngược núi, vượt qua nhiều khúc cua tức tay.
Tháng 5/2014, trên 40 hộ dân tộc Khơ Mú ở bản Hát Mé được di chuyển đến điểm tái định cư Hát Mé, cách nơi ở cũ khoảng chục cây số. Theo cán bộ Ban quản lý dự án di dân tái định cư tỉnh Lai Châu, bà con được tiền bồi thường tài sản, vật kiến trúc, cây trồng trên đất, cùng 70% kinh phí hỗ trợ xây dựng nhà ở và 3 tháng gạo ăn khi lên nơi ở mới. Như vậy, có nhiều hộ được bồi thường đến hàng trăm triệu đồng. Sau đó, bà con tiếp tục được nhận khoản tiền còn lại, gồm: Hỗ trợ di chuyển, hỗ trợ đời sống, chênh lệch diện tích đất sản xuất (nếu có) và thưởng tiến độ.
Nhận được tiền tái định cư, người dân trong bản rất phấn khởi. Trước đó, hầu hết đều chưa từng được cầm một khoản tiền nào lớn như vậy nên việc ăn tiêu giờ thoáng hơn, theo hướng tận hưởng cuộc sống. Chính vì vậy, hiện nay, Hát Mé là mảnh đất màu mỡ cho nhiều hàng quán dịch vụ "bám rễ".
Dạo qua bản tái định cư Hát Mé, thật dễ bắt gặp những đứa trẻ đen nhẻm, lấm lem bùn đất, trên người không quần áo. Ấy thế nhưng độ chịu chơi của người dân lại không kém gì so với ở thị trấn, nhà nào nhà nấy đều có xe máy mới, thậm chí có hộ tậu hẳn 2 chiếc.
Theo ông Công, người có thâm niên làm ăn và sinh sống ở khu vực này cho biết, nhiều người dân đã mua chịu xe máy đến khi nào có tiền tái định cư thì trả sau, lúc đó mới nhận giấy tờ đăng ký xe. Mua chịu thì giá cả tất nhiên sẽ cao hơn bình thường khoảng 4 - 5 triệu đồng/chiếc. Tuy nhiên, người dân cũng chẳng mấy đắn đo, mua một thời gian, xe hỏng nhẹ hoặc “xuống mã” là họ lại đổi xe mới.
Lên Hát Mé mở cửa hàng tạp hóa, chị Thủy đầu tư ngay một bàn bi a cho các thanh niên tái định cư giải trí. Quán nhà chị bán không thiếu một thứ gì, từ kẹo cao su đến cái bóng đèn, xăng và xích xe máy... Nhưng đồ bán chạy nhất ở đây vẫn là xăng xe máy, rượu và đồ nhắm. Mỗi ngày, trung bình chị Thủy bán được vài chục lít rượu cùng mấy xô lòng, gan lợn.
Trong một quán dựng tạm chưa đến 5 m2, anh Lý Văn Tân ở bản Tỏng Pịt cũng đầu tư một bộ karaoke để phục vụ bà con dân bản cùng một số công nhân đang thi công tại bản. Anh Tân cho biết: “Quán mới được khai trương hơn 3 tuần nay nhưng tối nào cũng có khách. Khách phải chờ nhau, nhiều khi bà con và công nhân còn tranh nhau hát”.
Có cầu thì ắt có cung, những loại dịch vụ trên đã phần nào làm thay đổi một phần cuộc sống của đồng bào dân tộc Khơ Mú ở bản tái định cư Hát Mé. Tuy nhiên, rồi đây đời sống của đồng bào bản tái định cư Hát Mé sẽ ra sao nếu không có sự định hướng của chính quyền địa phương và sự vươn lên của chính người dân trong việc tổ chức sản xuất xóa đói nghèo?
Bài và ảnh: Quang Duy