Đưa chủ trương của Đảng vào cuộc sốngNăm 2015, NHCSXH Thừa Thiên - Huế đã và đang thực hiện 15 chương trình tín dụng chính sách xã hội với tổng dư nợ đạt 1.887 tỷ đồng, với trên 95 ngàn khách hàng còn dư nợ đến hết năm 2015. Chi nhánh đã cho vay với doanh số đạt trên 931 tỷ đồng, đáp ứng nhu cầu vay vốn cho trên 45 nghìn lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo quy định của Chính phủ.
Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Thừa Thiên - Huế giải ngân cho đồng bào dân tộc tại trụ sở xã miền núi biên giới A Đớt, huyện A Lưới. |
Một trong những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng tín dụng là Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH các cấp đã hoạt động theo đúng quy chế hoạt động của Ban đại diện Hội đồng quản trị, chỉ đạo các tổ chức chính trị - xã hội và chính quyền xã, phường, thị trấn thực hiện tốt công tác bình xét cho vay đúng đối tượng, công bằng dân chủ, quan tâm chỉ đạo công tác xử lý nợ quá hạn, nợ khó đòi. Với những giải pháp cụ thể đó, năm 2015, nợ xấu còn 6,429 tỷ đồng, giảm so với đầu năm là 1,963 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,34% trong tổng dư nợ, trong đó: Nợ quá hạn là 3,756 tỷ đồng, giảm so với đầu năm là 1,248 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 0,2%.
Trong quá trình triển khai nhiệm vụ, Chi nhánh luôn bám sát chỉ tiêu, kế hoạch trên giao, bám sát Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, giải quyết việc làm và đảm bảo an sinh xã hội. Bên cạnh đó, Chi nhánh còn làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc ban hành các văn bản chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể phối hợp tốt trong hoạt động tín dụng chính sách, như: phân bổ chỉ tiêu các nguồn vốn ưu đãi phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, an ninh, quốc phòng của các huyện trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo công tác thu hồi nợ, tăng nhanh vòng quay của vốn tín dụng…
Sau 1 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư TW Đảng, Chỉ thị đã có tác động tích cực đối với hoạt động của NHCSXH về tập trung nguồn vốn, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của NHCSXH, giúp cho hoạt động của hệ thống NHCSXH ngày càng ổn định và phát triển bền vững. Trong năm 2015, ngân sách địa phương đã chuyển qua NHCSXH để thực hiện cho vay với số tiền 5 tỷ đồng; việc bổ sung Chủ tịch UBND cấp xã tham gia thành viên Ban đại diện HĐQT cấp huyện, góp phần kiện toàn, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động quản lý tín dụng chính sách tại địa bàn xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh.
Nâng cao hiệu quả từ cơ sởMạng lưới các Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) không chỉ là kênh dẫn vốn xuống tận cơ sở, từng hộ dân phục vụ người nghèo và các đối tượng chính sách khác một cách trực tiếp mà còn giúp các hộ vay vốn sử dụng hiệu quả, nâng cao ý thức tiết kiệm, đồng thời giúp NHCSXH tăng cường năng lực, hiệu quả quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách.
Nhờ bám sát sự chỉ đạo của cấp trên, Ban giám đốc và Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH các cấp đã xây dựng kế hoạch, giải pháp để triển khai thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ được giao. Doanh số cho vay trong năm 2015 đạt 931,5 tỷ đồng, dư nợ tăng so với đầu năm là 216 tỷ đồng, tỷ lệ tăng trưởng dư nợ đạt 12,9%. Trong đó, tăng trưởng dư nợ tập trung vào một số chương trình tín dụng như: Cho vay hộ mới thoát nghèo đạt 94 tỷ đồng; Cho vay Nước sạch và vệ sinh môi trường đạt 144,5 tỷ đồng; Cho vay hộ cận nghèo, với doanh số cho vay là 365 tỷ đồng; Chương trình cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, doanh số 172 tỷ đồng... Một số đơn vị có mức tăng trưởng dư nợ cao gồm 2 huyện miền núi của tỉnh là A Lưới tăng 21,62%, Nam Đông tăng 12,19% và huyện Phong Điền tăng 20,13%. |
Để đạt được những mục tiêu đề ra, Tổ TK&VV trên địa bàn luôn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động hộ vay thực hiện tốt gửi tiền hàng tháng để tạo thói quen, ý thức tiết kiệm, dành dụm trong chi tiêu để tạo lập nguồn vốn giúp cho hộ vay chủ động trong việc trả nợ khi đến hạn. Qua đó giúp cho ngân hàng chủ động hơn trong việc xây dựng kế hoạch cho vay, thu nợ và giảm thiểu rủi ro tín dụng, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách.
Để Tổ TK&VV hoạt động ngày một hiệu quả hơn, Ban Giám đốc chi nhánh đã thường xuyên chỉ đạo việc rà soát, kiện toàn hoạt động Tổ TK&VV với phương châm giảm số tổ, tăng số lượng thành viên, nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ TK&VV và Ban quản lý tổ. Nhờ vậy hoạt động này ngày càng tốt hơn, người vay đã ý thức hơn, trách nhiệm hơn trong việc trả lãi, trả nợ gốc và gửi tiền hàng tháng vào Tổ TK&VV. Kết quả đánh giá xếp loại Tổ TK&VV cuối năm 2015, số tổ TK&VV xếp loại Tốt và Khá đạt trên 98%.
Bên cạnh làm tốt công tác chuyên môn, NHCSXH tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng tích cực hưởng ứng các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, Quỹ vì người nghèo, xây dựng nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng và các hoạt động khác.
Căn cứ kế hoạch tăng trưởng tín dụng được NHCSXH giao năm 2016 này, Chi nhánh tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đặt ra các giải pháp đồng bộ; tích cực huy động, khai thác các nguồn vốn đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng chính sách, đảm bảo hoàn thành tốt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Trong đó ưu tiên cho các huyện có tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cao theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020 nhưng dư nợ còn thấp.
Chi nhánh tiếp tục triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; chủ động triển khai nghiệp vụ tín dụng đối với các chương trình tín dụng mới; tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp đối với các phòng giao dịch có chất lượng hoạt động còn thấp; chú trọng công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ nhằm phát hiện sai sót, tồn tại để có biện pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời; triển khai thực hiện tốt các phong trào thi đua, tổ chức khen thưởng, động viên kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc.