Vốn tín dụng chính sách đến với đồng bào Kon Tum

Là tỉnh miền núi nằm ở phía bắc Tây Nguyên có biên giới giáp 2 nước bạn Lào và Campuchia, Kon Tum có tới 52% là người đồng bào dân tộc thiếu số. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao so với khu vực, đặc biệt tỷ lệ hộ nghèo là dân tộc thiểu số chiếm trên 90%. Trong những năm qua, công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội luôn được cấp ủy, chính quyền, các ngành, các cấp của địa phương quan tâm, và là nhiệm vụ chính trị quan trọng, xuyên suốt trong sự nghiệp xây dựng và phát triển.

Giảm số hộ nghèo

Ông Nguyễn Danh Thứ, Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) tỉnh Kon Tum cho biết, cùng với các chính sách giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội khác trên địa bàn, chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ cho hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn thông qua NHCSXH đã và đang phát huy hiệu quả tích cực, góp phần quan trọng trong thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mớí của địa phương.

Cán bộ tín dụng của NHCSXH Kon Tum hướng dẫn người dân xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi tìm hiểu về thủ tục vay vốn tại trụ sở UBND xã Bờ Y. Ảnh: V.T

Hiện nay Kon Tum đang thực hiện 13 Chương trình tín dụng chính sách ưu đãi cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách, với tổng dư nợ đạt 1.810 tỷ đồng, trên 63.000 hộ đang vay vốn. Sau gần 13 năm đồng hành cùng với người nghèo, Chi nhánh NHCSXH Kon Tum luôn chủ động, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác xây dựng mạng lưới hoạt động NHCSXH rộng khắp các thôn, làng trong tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách dễ dàng tiếp cận các chính sách tín dụng ưu đãi. Đặc biệt là hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiếu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn thông qua 102 điểm giao dịch của NHCSXH đặt tại UBND các xã, phường, thị trấn và 1.710 tổ tiết kiệm và vay vốn ở khắp các thôn, làng trong tỉnh.

Nhờ đó, 213.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách đã được vay vốn tín dụng ưu đãi với số tiền 2.917 tỷ đồng, tạo việc làm cho 129.000 lao động; hơn 15.500 lượt học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập. Xây dựng trên 48.500 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn và 9.199 căn nhà cho hộ nghèo; 125 thương nhân và 18.512 hộ vay vốn để sản xuất, kinh doanh ở vùng khó khăn. Việc sử dụng hiệu quả các nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh bình quân mỗi năm từ 4 - 5%.

Có thể khẳng định, tín dụng chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước ta là chủ trương, chính sách hết sức đúng đắn, phù hợp và được nhân dân đồng tình ủng hộ, nhất là đối với địa phương mà phần đa là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống và điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn như tỉnh Kon Tum. Thông qua nguồn vốn tín dụng chính sách, thời gian qua đã giúp người dân trên cao nguyên Kon Tum bám đất, bám làng, phát triển sản xuất, thay đổi nhận thức để vươn lên thoát nghèo và dựng xây cuộc sống mới. Các chương trình tín dụng chính sách ưu đãi cũng đã tác động tích cực đến vùng nghèo, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Nhờ vốn vay của NHCSXH, gia đình chị Trần Thị Kim Hương, thôn 2, xã Hòa Bình, TP Kon Tum (Kon Tum) đã chăn nuôi bò vỗ béo mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: VT

Lồng nghép với công tác khuyến nông, lâm nghiệp, chuyển giao khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, tăng thu nhập cho hộ nghèo, cộng đồng xã hội đã tham gia giúp đỡ hộ nghèo, nhằm thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo bền vững mà Đảng, Nhà nước đã đề ra. Đồng thời, góp phần xây dựng nông thôn mới, gắn bó nhân dân với chính quyền và ngược lại, gắn bó các tổ chức chính trị - xã hội đoàn viên, hội viên. Và qua việc sử dụng các nguồn vốn tín dụng chính sách cũng đã xuất hiện nhiều mô hình, dự án sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Cũng theo ông Nguyễn Danh Thứ, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Kon Tum còn bộc lộ những khó khăn, vướng mắc: Việc lồng ghép, phối hợp giữa các chương trình, dự án kinh tế - xã hội trên địa bàn chưa như mong muốn; giữa hoạt động tín dụng của NHCSXH với các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ của các tổ chức Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp, các doanh nghiệp và các tổ chức chính trị - xã hội chưa đồng bộ nên có lúc, có nơi hiệu quả sử dụng vốn chưa được phát huy.

Một bộ phận hộ nghèo, đặc biệt ở các xã vùng sâu, vùng xa vùng đồng bào dân tộc thiếu số việc áp dụng với tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất còn hạn chế nên hiệu quả sử dụng vốn vay thấp, chưa ý thức được trong việc vay vốn là có vay, có trả, gây khó khăn trong việc thu hồi vốn của Ngân hàng. Người dân chưa có ý thức phấn đấu để thoát nghèo, còn trông chờ ỷ lại vào các chính sách của nhà nước nên chưa mạnh dạn vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh ổn định cuộc sống, tăng thu nhập từng bước thoát nghèo bền vững.

Vốn vay chủ yếu đầu tư vào chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp, rủi ro cao vì chịu ảnh hưởng yếu tố tự nhiên, dịch bệnh thường xuyên xảy ra; gây bất lợi cho người sản xuất nên hiệu quả kinh tế thấp. Nhất là trong những năm gần đây do giá cả nông sản (giá cao su) giảm mạnh làm cho thu nhập của người dân bị giảm sút dẫn đến khó thu hồi nợ đến hạn.

Tiếp tục triển khai tín dụng chính sách

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả các chương trình tín dụng trên địa bàn Tây Nguyên nói chung và tỉnh Kon Tum nói riêng, ông Nguyễn Danh Thứ cho rằng, cấp ủy và chính quyền các cấp, các ngành tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, Quyết định 401/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch triển khai thực hiện

Chỉ thị số 40-CT/TW nhằm mục đích nâng cao nhận thức và trách nhiệm trong việc quản lý, sử dụng vốn tín dụng chính sách xã hội cho công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới ở địa phương coi đây là nhiệm vụ, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Tập trung khai thác nguồn lực của Trung ương, của địa phương để đáp kịp thời nhu cầu vay vốn để sản xuất, kinh doanh của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, đặc biệt là hộ nghèo, hộ cận nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiếu số.

Chính sách tín dụng ưu đãi cần phải đồng hành, lồng ghép với các chính sách chuyển giao khoa học, kỹ thuật; khuyến nông; khuyến công; khuyến lâm; khuyến ngư và chính sách đào tạo nghề cho nông thôn... để người nghèo và các đối tượng chính sách sử dụng vốn vay có hiệu quả hơn để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống và có điều kiện trả nợ, trả lãi ngân hàng.

Tiếp tục tham mưu cấp ủy, chính quyền và phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, các ngành, các đơn vị có liên quan tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn, nhất là đối với địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của các cấp, các ngành và nhân dân đối với hoạt động tín dụng chính sách tại cơ sở nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để vốn tín dụng chính sách phát huy hiệu quả cao.
PV
Triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội
Triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội

Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 401/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 về việc Ban hành Kế hoạch triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN