Nhiều hộ gia đình cũng đã tự chủ động hơn trong việc dọn dẹp, quây phủ bạt chuồng trại, tích trữ lương thực… không để gia súc chết vì đói, rét.
Rút kinh nghiệm từ những năm trước, ngay từ những ngày đầu chuyển rét, gia đình anh Lầu A Chinh, dân tộc Mông, ở bản Pa Vây Sử, xã Pa Vây Sử (huyện Phong Thổ) đã chủ động mua bạt quây quanh chuồng trâu của gia đình để tránh gió lùa, mưa hắt. Những ngày trời rét đậm, gia đình anh Chinh còn thay nhau đốt lửa gần chuồng nuôi nhốt để giữ ấm cho gia súc.
Cán bộ nông nghiệp cơ sở tuyên truyền đến người dân cách phòng chống đói rét cho gia súc. |
Cùng với đó, anh đã tăng cường bổ sung thức ăn tinh, vẩy nước muối vào thức ăn thô, để tăng sức chịu rét cho đàn gia súc. Anh Lầu A Chinh cho biết: “Cách đây ba năm, vì chủ quan không phòng chống đói rét cho gia súc, nên nhà tôi bị chết mất 2 con trâu. Tiếc lắm vì con trâu là tài sản lớn nhất trong gia đình. Không chỉ vậy, mất nó là mất sức kéo cho các mùa vụ. Những mùa rét về sau, được cán bộ khuyến nông xã xuống tuyên truyền, vận động, nên gia đình đã rút kinh nghiệm, luôn chủ động hơn về nguồn thức ăn cho trâu, không thả rông trên rừng, bổ sung thức ăn tinh để tăng cường sức chịu rét cho trâu”.
Vụ rét năm 2014, mặc dù cán bộ khuyến nông và các đoàn thể đã tăng cường tuyên truyền, nhưng đa số hộ dân vẫn còn chủ quan, lơ là, do vậy, xã Pa Vây Sử đã có khoảng 16 con trâu bị chết. Ông Hảng A Tủa, Chủ tịch UBND xã Pa Vây Sử cho biết: Năm nay, xã đã vận động nhân dân chủ động phòng chống rét cho gia súc. Gia đình nào để gia súc chết rét sẽ không được hỗ trợ, thiệt hại lớn về kinh tế; tuyên truyền đến bà con cần tận dụng những ngày có thời tiết ấm để vệ sinh chuồng trại. Đồng thời, vận động bà con di chuyển đàn gia súc từ vùng cao xuống vùng thấp, cũng như đưa gia súc thả rông về để chủ động chăm sóc và nuôi dưỡng. Đặc biệt, năm nay bà con trong xã đã biết gia cố chuồng trại, chủ động dự trữ thức ăn và tiêm phòng cho trâu bò đầy đủ.
Nông dân xã Sùng Phài, huyện Tam Đường bổ sung thêm cỏ voi cho gia súc. |
Hiện trên địa bàn toàn tỉnh có trên 111.100 con trâu bò. Để chủ động hơn trong việc phòng chống đói rét, dịch bệnh cho vật nuôi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lai Châu đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, chính quyền các địa phương tập trung tuyên truyền, vận động và hướng dẫn nhân dân thu gom, dự trữ thân lá ngô, cỏ khô; không đốt rơm rạ sau thu hoạch mà tận dụng để làm thức ăn cho gia súc; dự trữ thức ăn tinh như ngô, cám gạo, sắn, khoáng chất để bổ sung cho vật nuôi khi cần thiết. Cán bộ khuyến nông tích cực hướng dẫn người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số xây dựng và sửa chữa chuồng trại; chuẩn bị sẵn bạt, phên, bao tải… để che chắn chuồng trại trong những ngày mưa, gió rét; tuyệt đối không thả rông gia súc trong rừng, ngoài bãi chăn thả khi nhiệt độ thời tiết xuống thấp…
Ông Hà Quang Huy, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lai Châu cho biết, công tác chăn nuôi tại các địa phương thời gian gần đây đã có nhiều chuyển biến tích cực, từ tự phát nhỏ lẻ, thả rông sang chăn nuôi có kiểm soát; người dân đã chú trọng hơn đến việc dự trữ rơm khô cho trâu bò trong mùa đông. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp Lai Châu cũng đã hỗ trợ nông dân làm hàng nghìn chuồng trại cho trâu bò, cùng nhiều hécta cỏ làm thức ăn cho gia súc… Điều này đang góp phần giảm thiểu nguy cơ gia súc bị chết do mưa rét ở nhiều vùng trên địa bàn tỉnh Lai Châu.