Vùng chè Văn Chấn - Yên Bái nguy cơ vỡ quy hoạch

Yên Bái là một trong những tỉnh có diện tích chè lớn của cả nước với 11.200 ha. Trong đó, diện tích chè của huyện Văn Chấn là 4.354 ha, cho sản lượng gần một nửa tổng sản lượng chè búp tươi toàn tỉnh. Nhiều xã như Tân Thịnh, thị trấn Nông trường Liên Sơn, Nghĩa Tâm... có trên 60% số hộ dân sống bằng trồng chè. Theo thống kê, cả huyện hiện có 58 đơn vị, cơ sở sản xuất, chế biến chè có đăng ký kinh doanh. Các khoản thu thuế từ hoạt động chế biến, sản xuất, kinh doanh chè cũng chiếm 70% nguồn thu ngoài quốc doanh của địa phương. Theo kế hoạch năm 2013, toàn huyện sẽ thu ngân sách 31,5 tỷ đồng tiền thuế từ sản xuất chè nhưng tính đến tháng 5 mới thu được 6,5 tỷ đồng. Nguyên nhân là do nhiều nhà máy đang rơi vào tình trạng thiếu nguyên liệu trầm trọng, sản lượng thấp; việc thu thuế đối với các cơ sở sản xuất tư nhân gặp rất nhiều khó khăn...


 

Nông dân Văn Chấn thu hái chè. Ảnh: baoyenbai

 

Ông Nguyễn Quang Trung, Giám đốc Công ty cổ phần Chè Trần Phú cho biết, theo kế hoạch, năm nay đơn vị sẽ thu mua khoảng 4.000 tấn chè tươi. Tuy nhiên, dù đang thời điểm giữa vụ sản xuất nhưng đến nay mới mua được 418 tấn. Vùng nguyên liệu do đơn vị quản lý lên tới 650 ha song hiện nay, để đủ một ca sản xuất, công ty phải tổ chức thu mua nguyên liệu trong 3 đến 4 ngày. Thậm chí, công ty còn phải thu gom nguyên liệu từ các xã vùng trong và cả các xã ở huyện Tân Sơn (tỉnh Phú Thọ). Để có nguyên liệu sản xuất theo đơn đặt hàng đã ký, có lúc công ty đã phải chào mua với giá cạnh tranh lên tới 4.400 đồng/kg chè tươi nhưng vẫn không đủ công suất để máy chạy. Theo tính toán, để sản xuất ra 1 kg chè thành phẩm, công ty đang phải chịu lỗ 1.130 đồng.


Theo ông Trung, vấn đề cốt lõi là do người dân “bóc lột” quá sức sự hồi phục, phát triển của cây chè. Bên cạnh đó, nhiều người dân ở ngay trong vùng nguyên liệu đang “quay lưng” lại với cây chè. Nhiều đồi chè đã bị phá bỏ để trồng cam, quýt và các loại cây ăn quả khác, bất chấp vi phạm cam kết với công ty khiến diện tích chè ngày càng co hẹp. Thêm vào đó, việc phát triển ồ ạt của các cơ sở sản xuất chè mini nên đã khiến nguồn nguyên liệu vốn đã thiếu lại càng thiếu hơn. Từ đó nảy sinh việc tranh mua, tranh bán nguyên liệu giữa các doanh nghiệp và các hộ sản xuất tư nhân.


Khu vực Nông trường Nghĩa Lộ, Liên Sơn được xem là vùng có nguyên liệu dồi dào nhưng hiện nhiều cơ sở chế biến chè ở đây cũng đang rơi vào tình trạng thiếu nguyên liệu để sản xuất. Theo Giám đốc Công ty cổ phần chè Nghĩa Lộ Nguyễn Thành Vinh, diện tích của Nông trường chè Nghĩa Lộ khoảng 400 ha, nhưng do nắng nóng kéo dài làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của đợt búp thứ 3 nên nhà máy phải tạm ngừng hoạt động do thiếu nguyên liệu. Được biết, vào chính vụ đợt búp thứ 2, chỉ trong 7 ngày (25 - 31/5) sản lượng công ty mua vào đạt 392,8 tấn nhưng do không thể chế biến hết nên buộc phải bán cho công ty khác. Lý giải nghịch lý này, ông Vinh cho biết, do người dân hái bằng máy nên chè được thu hái nhanh, nguyên liệu đổ về nhà máy tập trung vào thời điểm ngắn khiến nhà máy vượt tải. Bên cạnh đó, việc để búp chè quá lâu sẽ ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm nên công ty buộc phải bán cho đơn vị bạn.


Thêm một lý do được ông Vinh đưa ra là nếu công ty không thu mua thì người dân sẵn sàng bán cho thương lái, như thế sẽ tạo cơ hội cho tư thương "tranh mua" ngay trên vùng nguyên liệu do công ty quản lý. Theo kế hoạch, trong tháng 6, công ty sẽ thu mua 528 tấn chè tươi để chế biến. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa mua được kg nào, đồng nghĩa với việc hơn 100 công nhân của công ty được cho nghỉ ở nhà... “xơi nước”.
Tỉnh Yên Bái đang tích cực triển khai Đề án phát triển trồng chè giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020. Theo đó, toàn tỉnh sẽ quy hoạch vùng chè trên 11.000 ha, vùng chè tập trung trên 10.000 ha, trong đó tập trung vào trồng lại, quy hoạch thâm canh, chăm sóc chè hiện có; quy hoạch trồng mới các giống chè cho năng suất, chất lượng cao. Điều này chỉ trở thành hiện thực khi các đơn vị, các ngành, các cấp liên quan quyết liệt vào cuộc để khắc phục những bất ổn nêu trên.


Trung Kiên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN