Vài năm trở lại đây, Lục Khu được Nhà nước đầu tư các hồ vải địa, hệ thống lu, bể chứa dự trữ nước, nên nguồn nước cho sinh hoạt không còn thiếu thốn như xưa, vì vậy cuộc sống người dân nơi đây trở nên dễ dàng hơn.
Hàng chục bể chứa nước đã được xây dựng. |
Bà Mông Thị Ký, xóm Lũng Lỳ, xã Nội Thôn nhớ lại những ngày bà và mọi người trong xóm phải đi bộ trên 10 km mới gánh được vài can nước trên vai từ hốc núi về để sinh hoạt, rồi lại phải chắt chiu sử dụng từng chút nước. Nước dùng rửa mặt, rửa rau, sau đó mới đến rửa chân tay rồi chắt lọc để cho trâu, bò uống... Những năm gần đây, nhờ có các chương trình 134, 135, xã Nội Thôn đã có các công trình cung cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Hiện nay, các xóm đã được xây dựng bể các loại, xung quanh nhà nào cũng có hàng chục các lu, bể vuông, bể 1 khối, bể 5 khối. Cả cụm dân cư được đầu tư xây dựng bể lớn có sức chứa 3.000 m3 nước. Nhờ đó, giờ đây bà con không còn phải lo lắng thiếu nước phục vụ sinh hoạt trong gia đình nữa. Thậm chí nguồn nước đã phần nào đáp ứng việc phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm của người dân địa phương.
Đồng bào được hỗ trợ lu để chứa nước sinh hoạt. |
Hiện nay, đi khắp vùng Lục Khu đâu đâu cũng thấy các vật dụng dùng để chứa nước như lu, bể chứa. Vùng đất này có gần 19.000 nhân khẩu, thì số lượng công trình lưu nước lên tới 14 hồ vải địa kỹ thuật có sức chứa từ 1.500 - 3.500 m3; 6.000 bể gia đình, 13.500 lu chứa nước sinh hoạt, 193 bể chứa nước tập trung; 3 trạm bơm nước tập trung và 9 hệ thống cấp nước tự chảy tại 12 xã vùng cao Lục Khu để dự trữ nguồn nước, nâng khả năng cấp nước cho người dân từ 15 lít/người/ngày lên 40 lít/người/ngày trong 6 tháng mùa khô.
Chấm dứt cảnh người dân phải đi chở từng can nước về dùng như thế này. |
Bên cạnh đó, người dân còn tự tạo hệ thống máng nước chảy từ mái xuống bể, lu nước cạnh nhà để hứng nước mưa. Nước chính là chìa khóa giải quyết mọi vấn đề trong cuộc sống của người dân Lục Khu, cũng là công cụ để hỗ trợ họ vượt qua khắc nghiệt của tự nhiên, vươn lên trong phát triển kinh tế thoát nghèo.
Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Cao Bằng, Bế Nhật Thành, cho biết, hiện tỷ lệ người dân nông thôn của tỉnh được dùng nước hợp vệ sinh đã tăng lên 85%; tình trạng thiếu nước sinh hoạt ở vùng cao như Lục Khu dần được cải thiện. Để có thêm nhiều công trình được đầu tư mới và phát huy hiệu quả, các ngành, các cấp cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huy động nguồn lực của toàn xã hội, xây dựng cơ chế chính sách quản lý, vận hành công trình sau đầu tư, cho nhân dân vay vốn ưu đãi xây dựng công trình nước sạch, công trình vệ sinh. Đồng thời, tích cực đẩy mạnh truyền thông nhằm nâng cao ý thức sử dụng nước sạch và bảo vệ môi trường của người dân nông thôn.