Chúng tôi đến xã Noong Hẻo, huyện biên giới Sìn Hồ (Lai Châu) vào thời điểm người dân đang bận rộn làm đất, gieo cấy để chuẩn bị cho vụ mùa mới.
Chúng tôi tìm gặp ông Lò Văn Tiếng, 58 tuổi, dân tộc Dao, Phó Bí thư Chi bộ bản bản Noong Hẻo 1, người một thời phải “cúi mặt mà đi” vì xấu hổ với làng xóm do trót theo người xấu đi ăn trộm trâu, bị bắt và quy án. Đã hơn chục năm qua, “nỗi niềm” này vẫn khắc sâu trong đầu ông và ông đã dùng nó để răn dạy con cháu, vận động bà con đừng lặp lại sai lầm của mình.
Giờ đây, với cương vị là Phó Bí thư Chi bộ bản Noong Hẻo 1, ông Tiếng tích cực tham gia mọi hoạt động để tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với bà con. Ông Tiếng chia sẻ: "Năm 1998, tôi chấp hành xong án phạt, được chính quyền địa phương cũng như bà con trong bản tạo điều kiện, động viên giúp đỡ, nên tôi nhanh chóng xóa bỏ mặc cảm, vươn lên làm lại cuộc đời".
Năm 1999, ông Tiếng đã trở thành cán bộ dân số của xã. Sau khi được giới thiệu và đi học lớp cảm tình đảng, năm 2004 ông được đứng trong hàng ngũ của Đảng và năm 2009, được tín nhiệm bầu làm Phó Bí thư Chi bộ bản Noong Hẻo 1.
Ông Lò Văn Hương - Bí thư Đảng ủy xã Noong Hẻo cho biết: Ông Tiếng tuy có thời gian sai lầm nhưng đã biết sửa sai, bản thân chấp hành nghiêm chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước nên được bà con tín nhiệm. Quan trọng hơn là ông Tiếng đã biết lấy những cái sai của mình để làm gương cho bà con dân bản không vi phạm luật pháp. Chính điều này đã giúp ông Tiến phát huy được vai trò già làng của mình.
Quang Duy