Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) Jim Yong Kim ngày 14/11 đã cảnh báo rằng thế giới có thể sẽ mất hàng triệu sinh mạng trong một đại dịch toàn cầu nếu cộng đồng quốc tế lặp lại cách đối phó chậm chạp với dịch bệnh Ebola ở Tây Phi.
Đại hội đồng LHQ đã triển khai cuộc họp đánh giá công tác đối phó với dịch Ebola. Ảnh: THX/TTXVN |
Phát biểu tại một diễn đàn nhân Hội nghị cấp cao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) tại Brisbane, Australia, ông Kim kêu gọi thành lập một quỹ khẩn cấp hàng tỷ USD nhằm đảm bảo huy động ngay lập tức những nỗ lực cứu trợ khi một mối đe dọa lây nhiễm như Ebola hoặc một dịch cúm khó chữa xuất hiện. Theo ông, những dịch bệnh như vậy không chỉ là thảm họa đối với nhân loại mà còn đe dọa tới sự bất ổn của nền kinh tế thế giới.
WB ước tính ảnh hưởng tài chính của dịch bệnh Ebola trong khu vực có thể lên tới 32,6 tỷ USD vào trước cuối năm 2015 nếu dịch bệnh này tiếp tục lây lan.
Trước đó, ngày 12/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo tính đến ngày 9/11, thế giới đã ghi nhận 14.098 trường hợp mắc bệnh do nhiễm virus Ebola, trong đó có tới 5.160 người đã tử vong. Số liệu thống kê của WHO cho thấy trong số 7 quốc gia Tây Phi có dịch Ebola, 3 quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vẫn là Liberia (6.822 ca nhiễm, 2.836 ca tử vong), Sierra Leone (5.3 ca nhiễm, 1.169 ca tử vong) và Guniea (1.878 ca nhiễm, 1.142 ca tử vong).
Trong một diễn biến liên quan, chính quyền vùng Tuscany, miền Trung Italy, vừa xác nhận thông tin một bệnh nhân nghi nhiễm virus Ebola đã được chuyển vào bệnh viện Careggi ở Florence ngày 13/11. Theo hãng tin ANSA, người bị cho là có các dấu hiệu nhiễm virus Ebola này là một bác sĩ người Italy vừa trở về từ châu Phi. Chính quyền địa phương cho biết họ sẽ sớm công bố kết quả xét nghiệm của người này.
TTXVN/Tin Tức