Từ đầu năm tới nay, cả nước đã ghi nhận 17.410 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, trong đó có 2 trường hợp tử vong. Để chủ động ngăn ngừa căn bệnh có nguy cơ bùng phát mạnh này, người dân cần thực hiện tốt theo các khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) gồm:
Rửa tay thường xuyên với xà phòng trước khi chuẩn bị thức ăn, ăn uống, cũng như sau khi sử dụng nhà vệ sinh, sau khi thay tã cho trẻ, đặc biệt là sau khi tiếp xúc với các bọng nước từ người bệnh.
Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng để phòng bệnh tay chân miệng.
|
Làm sạch môi trường bị ô nhiễm và các vật dụng bẩn (bao gồm cả đồ chơi) với xà phòng và nước, sau đó khử trùng bằng các chất tẩy rửa thông thường.
Tránh tiếp xúc gần (ôm, hôn, dùng chung đồ dùng…) với trẻ em bị bệnh tay chân miệng.
Không cho trẻ sơ sinh và trẻ em bị bệnh đi mẫu giáo, nhà trẻ, trường học hoặc nơi đông người cho tới khi khỏe hẳn.
Theo dõi chặt chẽ tình trạng bệnh và chăm sóc y tế kịp thời nếu trẻ sốt cao, li bì, mất tỉnh táo.
Che miệng và mũi khi hắt hơi và ho.
Xử lý khăn giấy và tã lót đã dùng bằng cách bỏ vào thùng rác và thải bỏ rác đúng cách.
Luôn lau dọn nhà cửa, nhà trẻ, trường học sạch sẽ.
Ngoài ra, cũng cần lưu ý tay chân miệng là một bệnh nhiễm vi rút cấp tính, lây truyền qua đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn. Vi rút gây bệnh tay chân miệng có thể lây nhiễm từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với dịch mũi, họng, nước bọt, chất dịch từ mụn nước, hoặc phân của người bị nhiễm bệnh. Người bị bệnh có thể làm lây lan bệnh nhiều nhất trong tuần đầu tiên của bệnh, thời gian gian lây nhiễm có thể kéo dài trong vài tuần (do vi rút vẫn tồn tại trong phân).
Căn bệnh này do các loại vi rút thuộc nhóm đường ruột gây ra như Coxsackie, Echo và các vi rút đường ruột khác, trong đó hay gặp là vi rút đường ruột týp 71 (EV71) và Coxsackie A16. Vi rút EV71 có thể gây các biến chứng nặng và gây tử vong.
Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông. Bệnh phổ biến ở nhiều nước châu Á.
Bệnh tay chân miệng thường là một bệnh nhẹ, hầu hết tất cả bệnh nhân hồi phục trong vòng 7 - 10 ngày mà không cần điều trị và thường không gặp các biến chứng. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể diễn biến nặng và gây biến chứng như: Viêm màng não, viêm não với, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong, thường do vi rút EV71 gây ra.
Điều đáng lưu ý là hiện nay, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh tay chân miệng. Bệnh nhân nên uống nhiều nước và có thể được điều trị triệu chứng để giảm sốt, giảm đau từ vết loét và phòng biến chứng.
Phương Liên (ghi)