Xác định măng muối không dùng chất tẩy trắng

Ngày 6/12, đại tá Lý Hồng Sinh, Phó Giám đốc Công an tỉnh Tây Ninh cho biết, không có cơ sở để xử phạt ông Nguyễn Văn Lâm, chủ cơ sở chế biến măng muối tại ấp Suối Muồn, xã Thái Bình, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh về hành vi "bỏ hóa chất cấm" vào măng muối do đã xác định được chính trong măng tự nhiên đã có chất acid oxalic gấp nhiều lần so với mẫu măng lấy từ cơ sở đã chế biến. Cơ quan chức năng đã tiến hành giải tỏa, cho phép ông Nguyễn Văn Lâm toàn quyền sử dụng và kinh doanh 70 tấn măng trước đó đã bị niêm phong. Tuy nhiên, cơ sở ông Lâm phải chịu phạt về hành vi xả nước thải chưa xử lý ra môi trường và kinh doanh không giấy phép với mức phạt chung là 16 triệu đồng.

 

Ông Lâm và lô măng vừa được tháo niêm phong.


Trước đó, ngày 24/9/2013, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường - Công an Tây Ninh phối hợp với Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh kiểm tra cơ sở chế biến măng muối của ông Lâm, tiến hành lấy 3 mẫu măng muối đem đi giám định tại Trung tâm Kỹ thuật đo lường chất lượng 3 (TP Hồ Chí Minh), kết quả trong mẫu măng tre muối thành phẩm có chứa 61,4 mg acid oxalic (C2H204) /kg; mẫu măng le muối thành phẩm có chứa 0 mg acid oxalic/kg; mẫu nước ngâm măng tre có chứa 45,5mg acid oxalic/kg.

Cho rằng cơ sở măng muối của ông Nguyễn Văn Lâm làm ăn gian dối, coi thường tính mạng người tiêu dùng, bỏ chất cấm vào măng để bảo quản và tẩy trắng sản phẩm; ngày 16/10 ngành chức năng tiến hành niêm phong 70 tấn măng muối thành phẩm và 135 kg muối hạt, đồng thời đề nghị UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh ra quyết định xử phạt hành vi trên của ông Lâm. Ông Lâm đã vác đơn khắp nơi khiếu nại, kèm theo 8 phiếu kết quả thử nghiệm của Trung tâm dịch vụ phân tích thí nghiệm TP Hồ Chí Minh (thuộc Sở Khoa học công nghệ TP Hồ Chí Minh) để chứng minh trong măng tự nhiên đã có sẵn chất acid oxalic gấp nhiều lần so với măng muối tại cơ sở.

Đặc biệt là phiếu kết quả thử nghiệm của 2 loại măng tre và măng le tự nhiên do Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tây Ninh) gửi đi thử nghiệm tại Trung tâm tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 (TP Hồ Chí Minh) ngày 15/11/2013 để làm kết quả đối chứng với những kết quả của ông Lâm cung cấp, cũng cho thấy hàm lượng acid oxalic trong măng tre tươi là 1.734 mg/kg, trong măng le tươi là 856 mg/kg.


Theo đại tá Lý Hồng Sinh, đây là trường hợp mới phát hiện trong măng tự nhiên có chứa hàm lượng acid oxalic rất cao, vì vậy các ngành chức năng cần nghiên cứu, khuyến cáo người dân cách chế biến sử dụng để bảo vệ sức khỏe.


Bài và ảnh: Lê Đức Hoảnh

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN