Xây dựng cơ chế chính sách đặc thù

Sơn La có điểm xuất phát thấp so với mặt bằng chung của cả nước, du lịch mới phát triển sơ khai, nên cần những chính sách đặc thù, tạo điều kiện thuận lợi để khơi dậy và thúc đẩy tiềm năng, thu hút tối đa các nguồn lực.

Bảo tồn phát huy giá trị văn hóa các dân tộc để phát triển du lịch ở Sơn La.



Ông Trương Xuân Cừ, Phó Trưởng Ban phụ trách Ban Chỉ đạo Tây Bắc: Xây dựng Đề án phát triển du lịch vùng Tây Bắc


Sơn La là tỉnh có thế mạnh về du lịch sinh thái, du lịch văn hóa và du lịch cộng đồng, đặc biệt Chính phủ phê duyệt quy hoạch Khu du lịch quốc gia Mộc Châu sẽ là lợi thế để tỉnh phát triển kinh tế du lịch và dịch vụ, tăng nguồn thu, tạo việc làm cho người dân. Tuy nhiên, để phát huy hết tiềm năng về du lịch của tỉnh Sơn La nói riêng và khu vực Tây Bắc nói chung, từng bước nâng cao đời sống của nhân dân, Chính phủ cần có chính sách đặc thù để hỗ trợ, đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt quan tâm xây dựng hệ thống giao thông liên kết giữa các địa phương. Đồng thời, các tỉnh trong vùng Tây Bắc cần đẩy mạnh các hoạt động quảng bá về du lịch hơn nữa, thu hút đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư và khai thác.

Thời gian tới, Ban Chỉ đạo Tây Bắc sẽ phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các địa phương xây dựng Đề án phát triển du lịch vùng Tây Bắc. Đề án là cơ sở để triển khai các nội dung liên kết và hợp tác giữa các tỉnh trong vùng, chỉ ra được những sản phẩm du lịch mang bản sắc và các hoạt động xúc tiến quảng bá để hợp tác đầu tư phát triển. Các tỉnh sẽ thống nhất xác định các điểm ưu tiên phát triển để tạo sức lan tỏa trong toàn khu vực.


Ông Cầm Ngọc Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La: Thu hút đầu tư cho du lịch chưa tương xứng


Trong những năm qua, Nhà nước đã có sự quan tâm đặc biệt tới các tỉnh còn nhiều khó khăn như Sơn La, đã ban hành nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ, phát triển kinh tế - xã hội, hệ thống kết cấu hạ tầng và đời sống nhân dân các dân tộc... được cải thiện đáng kể. Song có thể nói, do điều kiện vị trí địa lý cách xa trung tâm của Thủ đô, xuất phát điểm của tỉnh thấp, hệ thống kết cấu hạ tầng còn nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, việc cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng cho các nhà đầu tư còn hạn chế nên kết quả thu hút đầu tư chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh vốn có của tỉnh.

Để thực sự thu hút được các nhà đầu tư chiến lược, đầu tư các dự án lớn tác động mạnh đến phát triển kinh tế của tỉnh Sơn La và khu vực Tây Bắc. Tôi kiến nghị Chính phủ cần có chính sách đặc thù ưu đãi đầu tư cho Sơn La như được áp dụng các mức ưu đãi cao nhất, hàng năm bố trí ngân sách nhà nước hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng đặc biệt là hạ tầng giao thông... Đối với những dự án đặc biệt quan trọng, có sức lan tỏa, đề nghị cho phép tỉnh Sơn La trình Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế đặc thù riêng.

Lường Thị Vân Anh, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La: Cần có những biện pháp hỗ trợ , xúc tiến đầu tư cho du lịch


Đề nghị Bộ Văn hoá - Thể thao và Du Lịch, Bộ Kế hoạch Đầu tư có những biện pháp hỗ trợ, xúc tiến, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào du lịch tại tỉnh Sơn La. Lựa chọn một số hội nghị, hội thảo cấp Bộ tổ chức tại Sơn La nhằm tạo điều kiện cho địa phương được giới thiệu tiềm năng, lợi thế của tỉnh.

Chính phủ cần tiếp tục hỗ trợ vốn đầu tư cơ sở hạ tầng cho các chương trình, dự án về du lịch, đặc biệt là Khu du lịch quốc gia Mộc Châu. Mặt khác, đưa Chương trình hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng vào Chương trình xúc tiến Du lịch quốc gia, xây dựng chuỗi liên kết phát triển du lịch giữa các tỉnh. Trong đó tập trung hỗ trợ chương trình, hoạt động của 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng, tạo động lực để các tỉnh vùng Tây Bắc xúc tiến đầu tư trong lĩnh vưc du lịch và các ngành khác.


Ông Hà Trọng Chiến, Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu (Sơn La): Mong Chính phủ sớm thông qua cơ chế đặc thù


Thực hiện quyết định số 2050/QĐ-TTg ngày 12/11/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Mộc Châu đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, tôi kiến nghị Chính phủ xem xét một số chính sách đặc thù đầu tư các công trình trọng điểm của khu du lịch, tập trung các nguồn vốn ngân sách địa phương, ngân sách Trung ương hỗ trợ, vốn trái phiếu Chính phủ trong kế hoạch hàng năm và 5 năm, ưu tiên vận động thu hút vốn ODA, vốn tín dụng ưu đãi... và các cơ chế, chính sách khác. Đồng thời, tỉnh Sơn La đang xây dựng chính sách đặc thù phát triển Khu du lịch quốc gia Mộc Châu để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Tôi mong rằng Chính phủ sớm thông qua, để tỉnh Sơn La và huyện Mộc Châu có cơ sở kêu gọi đầu tư thuận lợi, hiệu quả.




Lò Thị Bình, Bí thư Đảng ủy xã Đông Sang, huyện Mộc Châu (Sơn La): Khuyến khích mô hình du lịch cộng đồng


Du lịch huyện Mộc Châu nổi bật và thu hút khách tham quan là mô hình du lịch cộng đồng, khám phá bản sắc văn hóa các dân tộc. Do trình độ người dân tộc hạn chế, kinh nghiệm làm du lịch không có, còn mang tính chộp giật, được đồng nào hay đồng ấy nên không hiệu quả.

Xây dựng Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, tôi thiết nghĩ các cấp chính quyền cần quan tâm, chú trọng công tác bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực nghiệp vụ cho các cán bộ quản lý nhà nước về du lịch và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, đặc biệt là các gia đình làm du lịch cộng đồng. Để phát triển bền vững, lâu dài, chính quyền cấp xã, cấp huyện Mộc Châu phải tuyển chọn con em học hết phổ thông trên địa bàn đi học các lớp sơ cấp, trung cấp tại các trường đào tạo nguồn lực du lịch.

Việt Hoàng (thực hiện)

Nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch
Nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch

Hạ tầng, sản phẩm du lịch huyện Mộc Châu (Sơn La) yếu kém, chưa phong phú, đa dạng các loại hình, đã ảnh hưởng đến việc phát huy tiềm năng của địa phương. Xây dựng Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, nhiệm vụ quan trọng đặt ra cho tỉnh Sơn La là phải nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN