Cũng nhờ đăng ký nhãn hiệu sản phẩm các mặt hàng như: Chè, cam sành, lạc, gạo, mật ong, bưởi... đã giúp nâng cao giá trị các sản phẩm này của tỉnh Tuyên Quang tăng trung bình từ 1,5 - 2 lần. Cùng với đó, đây còn là cơ hội mở ra để tiếp cận thị trường và hướng tới xây dựng thương hiệu sản phẩm an toàn, bền vững.
Cam sành Hàm Yên (Tuyên Quang) đã tạo được chỗ đứng trên thị trường. |
Sản phẩm chè Bát Tiên của HTX nông nghiệp Mỹ Bằng huyện Yên Sơn là một trong những ví dụ điển hình. Trước khi đăng ký nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa, HTX thu mua chè chế biến thủ công của người dân chỉ bán được với giá trung bình hơn 90.000 đồng/kg chè khô. Nhưng từ năm 2013, khi sản phẩm chè này được công nhận nhãn hiệu, giá trị sản phẩm đã tăng cao. Theo khảo sát thị trường, hiện chè Bát Tiên loại đặc biệt được bán với giá 1,3 triệu đồng/kg, loại 1 được bán với giá 500.000 đồng/kg và loại 2 là 300.000 đồng/kg.
Cũng giống như chè Bát Tiên, cam sành Hàm Yên trước đây giá bán rất thấp, chỉ khoảng 3.000 - 4.000 đồng/kg. Tuy nhiên, từ khi mặt hàng này lọt vào danh sách được đăng ký nhãn hiệu sản phẩm và được Tổ chức kỷ lục Việt Nam bầu chọn là 1 trong 50 trái cây nổi tiếng, giá trị nhất Việt Nam năm 2012; được Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam, tạp chí Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo bình chọn (cấp Chứng thư cho các thương hiệu - nhãn hiệu nổi tiếng) vinh danh vào top 10 thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng Việt Nam năm 2013 đã khiến mặt hàng này tăng giá đột biến.
Thống kê cho thấy, Tuyên Quang hiện có 4.300 ha trồng cam, 8.000 ha trồng chè, 9.000 ha trồng mía… Để tiếp tục phát triển bền vững các thương hiệu sản phẩm, tỉnh Tuyên Quang đang thực hiện các chương trình hỗ trợ chi phí đối với các HTX đăng ký nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa, thực hiện các bước sản xuất đảm bảo chất lượng cũng như đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá thương hiệu sản phẩm.