Xử lý nợ xấu gắn với cơ cấu lại hệ thống ngân hàng

 

“Chính phủ cần tập trung xử lý nợ xấu thì mới có thể giải quyết thanh khoản cho nền kinh tế và thanh khoản của ngân hàng”. Ông Vũ Viết Ngoạn (ảnh), Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia đã trao đổi với phóng viên Báo Tin tức về một số giải pháp để xử lý tình trạng nợ xấu hiện nay.

 

Theo ông Vũ Viết Ngoạn, nợ xấu là vấn đề lớn. Nợ xấu ảnh hưởng đến nguồn tiền của ngân hàng trong việc tiếp tục tái tạo vốn và cho vay. Do đó, nợ xấu làm cho khả năng cung ứng tiền của ngân hàng, của hệ thống ngân hàng cho nền kinh tế bị ảnh hưởng, giảm sút.


Nợ xấu tăng lên là do tổng thể nền kinh tế đang có những khó khăn. Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng cũng có những yếu kém, nhất là về công tác quản trị rủi ro. Một số ngân hàng cũng có sai sót và sai phạm. Các doanh nghiệp (DN) cũng có hạn chế về chiến lược đầu tư và kinh doanh. Họ sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn trong khi vốn tự có ít. Vay vốn lớn mà dự án hoạt động không hiệu quả.


´Vậy, theo ông, cần có giải pháp gì để giải quyết tình trạng nợ xấu hiện nay?


Ngân hàng Trung ương có thể bơm tiền ra để có thêm tiền giải quyết nợ xấu. Nhưng đó chỉ là giải pháp mang tính chất tình thế thôi vì như vậy sẽ dẫn tới lạm phát cao. Về cơ bản thì cần tập trung tiến hành cơ cấu lại ngân hàng và cơ cấu lại DN để làm sạch bảng tổng kết tài sản của ngân hàng và của các doanh nghiệp. Biện pháp lâu dài để xử lý nợ xấu là tập trung tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế.


Tuy nhiên, trước mắt, cần cơ cấu lại nợ theo hướng tạo điều kiện để những DN chỉ mất cân đối tạm thời, vẫn được vay vốn để duy trì sản xuất, qua đó có thể phát triển và có nguồn thu để trả nợ ngân hàng. Thứ hai, cần có giải pháp cơ cấu lại nợ của các ngân hàng. Vì hiện nay, các ngân hàng nợ xấu nhiều nhưng họ lại có tài sản thế chấp. Kinh nghiệm của các nước trong trường hợp này là Chính phủ phải đứng ra can thiệp. Thông qua các công ty mua bán nợ, Chính phủ có thể can thiệp để mua lại nợ để giúp làm sạch bảng tổng kết tài sản của ngân hàng, giúp DN xử lý được khó khăn và khôi phục lại mối quan hệ tài chính tín dụng giữa ngân hàng và DN.


Ông Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: “Phải xác định, giải quyết nợ xấu là cứu nền kinh tế, chứ không phải chỉ là cứu ngân hàng, hay cứu bất động sản. Nếu chúng ta tập trung xử lý nợ xấu thì chắc chắn tình hình tài chính - tiền tệ thuận lợi hơn và khi đó thì khả năng DN tiếp cận vốn dễ hơn, ngân hàng cho vay dễ hơn, khi đó tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng trở lại và tăng trưởng của nền kinh tế cũng tăng trở lại”.

Khi Chính phủ bỏ tiền ra xử lý nợ xấu cho cả hệ thống ngân hàng cũng như của toàn bộ nền kinh tế thì sau một thời gian, khi nền kinh tế phục hồi được thì tài sản Chính phủ đứng ra mua lại có thể bán đi để thu hồi lại nợ. Đây là kinh nghiệm mà nhiều nước đã làm để xử lý nợ xấu.


´Tuy nhiên, xử lý nợ xấu đòi hỏi nguồn lực tài chính lớn nhưng thách thức hiện nay là “sức khỏe" của nền tài chính, tiền tệ, ngân sách đều có vấn đề. Vậy, để xử lý nợ xấu cần lấy nguồn tiền ở đâu?


Ở các nước, công ty mua bán nợ có thể do Chính phủ phụ trách và chỉ đạo. Ở nước ta, ngân hàng và tài chính đều thuộc Chính phủ nên Chính phủ có thể đứng ra chỉ đạo, hoặc trực thuộc cấp bộ thì có thể giao cho Ngân hàng Nhà nước.


Theo tôi, trong điều kiện hiện nay, chúng ta khó dùng nguồn tiền từ ngân sách để xử lý nợ xấu vì cân đối ngân sách khó khăn. Dư luận xã hội nhìn nhận tiền ngân sách là tiền thuế của dân nên nếu dùng ngân sách có thể sẽ không được đồng tình của xã hội. Kinh nghiệm xử lý nợ xấu mà chúng ta đã làm trước đây là cho giải thể một loạt các ngân hàng yếu kém. Bên cạnh đó, chúng ta không những bỏ tiền để xử lý nợ xấu của các ngân hàng mà còn bơm vốn cho các ngân hàng bằng các công cụ như phát hành trái phiếu, dùng tiền từ ngân hàng trung ương. Việc xử lý nợ xấu có thể theo các cách thức như vậy.


Tuy nhiên, cần lưu ý, việc xử lý nợ phải gắn với tái cơ cấu ngân hàng để ngăn ngừa tình trạng nợ xấu phát sinh sau này. Chứ bỏ lượng tiền lớn ra để cơ cấu lại nợ xấu nhưng sau 5 - 7 năm nữa nợ xấu lại tiếp tục phát sinh thì không thể chấp nhận được. Do đó, việc xử lý nợ xấu phải gắn chặt với cơ cấu lại hoạt động của các ngân hàng, làm sạch bản tổng kết tài sản của các ngân hàng và làm lành mạnh lại toàn bộ hệ thống ngân hàng.


Xin cảm ơn ông!


Thu Hường (thực hiện)

Giải quyết nợ xấu trở nên cấp bách
Giải quyết nợ xấu trở nên cấp bách

Theo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, số nợ xấu trong toàn hệ thống ngân hàng ước khoảng 8,6 - 10% trên tổng dư nợ. Đây là điểm nghẽn lớn nhất của nền kinh tế. Nếu không giải quyết sớm thì không chỉ ngân hàng, doanh nghiệp rơi vào thảm cảnh mà nợ xấu đang trở thành gánh nặng cho cả nền kinh tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN