Trường học, trạm y tế, nhà văn hóa được đầu tư khang trang, điện kéo đến từng nhà dân. Chị Na Ry, một người dân chúng tôi tình cờ gặp phấn khởi chia sẻ, gia đình chị vừa có được căn nhà trị giá 20 triệu đồng từ Chương trình 167, hai vợ chồng trước đây sinh sống bằng nghề phụ hồ và làm thuê giờ không chỉ có nhà mà còn được hỗ trợ vốn nuôi bò sinh sản. Hiện giờ chị đã có được 4 con bò và 1 công ruộng lúa. Gia đình chị đang tiếp tục đầu tư xây chuồng trại để nuôi heo từ nguồn vốn tích lũy được.
Ông Kim Dương ở ấp Sơn Lang tự hào cho biết, chỉ với 1,5 ha đất nông nghiệp, mỗi năm gia đình ông thu nhập trên 100 triệu đồng từ mô hình đa canh tổng hợp. Trò chuyện với ông, chúng tôi cảm nhận được nếp nghĩ, nếp sinh hoạt của nông dân Khmer đã được thay đổi cơ bản. Chuyện những hộ nông dân Khmer biết tính toán làm ăn không còn là những “tấm gương tiêu biểu”. Trong từng phum sóc, phần lớn nông dân Khmer đã vươn lên làm giàu với nhiều mô hình sản xuất căn cơ, bền vững, không còn trông chờ vào các chương trình, chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Những hộ gia đình trồng ớt chỉ thiên, trồng cà tím, dưa chuột, đậu bắp xuất khẩu, nuôi tôm, nuôi bò… cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm đã không còn là chuyện hiếm. Đó thực sự là những đổi thay chưa từng có trên vùng đất này.
Chúng tôi quay trở lại ấp Đa Hòa, huyện Châu Thành, nơi từng nghe câu chuyện đã có những lúc người dân nghèo phải đi bán máu mưu sinh, những mô hình thoát nghèo nơi đây giờ thực sự được kiểm chứng và phát huy hiệu quả. Người dân đi xe máy đến tận bờ ruộng, đường giao thông nông thôn khang trang, rộng rãi, không còn cảnh nhà tranh vách lá. Mỗi công đất (1.000 m2) ruộng hoặc trồng màu, nông dân đều có thu nhập ổn định từ 5 – 10 triệu đồng/vụ. Cả huyện Châu Thành, hiện nay đã có 160 km đường giao thông nông thôn liên xóm, ấp trong vùng đồng bào Khmer được xây dựng hoàn chỉnh, 100% xã có đông đồng bào Khmer được điện khí hóa với hơn 86% hộ có điện. Huyện đã xây dựng 6 trạm cấp nước sinh hoạt tập trung phục vụ 3.122 hộ với vốn đầu tư là 2,9 tỷ đồng và hỗ trợ 2.124 lu chứa nước cho 2.124 hộ nghèo, giúp trên 90% hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh. Các chợ ở xã Lương Hòa, Lương Hòa A, Hòa Lợi, Song Lộc, Nguyệt Hóa và thị trấn Châu Thành được xây mới và sửa chữa khang trang, tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa mua bán, trao đổi hàng hóa thuận lợi, đời sống bà con Khmer được nâng lên rõ rệt.
Từ tập quán canh tác lạc hậu, sản xuất nông nghiệp trong vùng đồng bào Khmer hiện nay phổ biến từ 2 vụ lúa, có nơi 2 vụ lúa - 1 vụ màu hoặc 3 vụ lúa/năm với năng suất, chất lượng, hiệu quả ngày càng tăng. Nông dân Khmer đã áp dụng có hiệu quả việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và áp dụng tốt các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, mở rộng diện tích, tăng năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi, năng suất lúa tăng hàng năm, nâng tổng sản lượng lương thực lên trên 1,1 triệu tấn/năm. Nâng giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích từ 28,5 triệu đồng/ha/năm 2003, lên 45 triệu đồng/ha/năm. Thu nhập bình quân đầu người từ 5,3 triệu đồng/người/năm 2003, tăng lên 14,9 triệu đồng/người/năm.
Internet đã đến 100% các xã, nông dân Khmer được phổ cập internet, đó quả thật là điều ít ai ngờ tới, 97% người dân các xã nghèo được sử dụng điện thoại. Phương tiện nghe, nhìn đến giáp các hộ dân, tất cả các hộ đều có xe gắn máy. Tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào Khmer bình quân hàng năm giảm 4%. Tuy vẫn còn hơn 30.000 hộ nghèo, nhưng đã không còn hộ đói. Đến nay đã có trên 40.000 hộ Khmer nghèo được hỗ trợ nhà ở, cơ bản giúp các hộ Khmer nghèo có cuộc sống ổn định. Hơn 22.800 hộ Khmer được hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động. Thực hiện chính sách hỗ trợ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn của Chính phủ, 6.050 hộ được đầu tư hỗ trợ sản xuất và 10.432 hộ được hỗ trợ đời sống.
Bên cạnh đó, Nhà nước đã hỗ trợ hàng trăm tỷ đồng vốn vay để phục vụ đồng bào sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm, hạn chế tình trạng vay nặng lãi trong cộng đồng dân cư. Nguồn vốn này đã giúp hàng ngàn hộ Khmer nghèo chuộc lại đất cầm cố, các hộ có nhiều đất đã cho 1.400 hộ không đất mượn 600 ha để sản xuất ổn định cuộc sống. Từ đó, nhiều hộ Khmer đã vươn lên về kinh tế gia đình, có vốn tái sản xuất, mua sắm tư liệu sản xuất, phương tiện sinh hoạt, nhiều hộ xây dựng nhà ở khang trang.
Sức mạnh từ Nghị quyết 06
Ở Trà Vinh, Nghị quyết 06 của Tỉnh ủy đã mang lại sự vui tươi, ấm no trên từng phum sóc của đồng bào Khmer. Đó là câu chuyện của 7 năm về trước. Nhớ lại thời đoạn khó khăn đó, ông Nguyễn Thái Bình, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, (khi đó là Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh) chia sẻ: Sau khi tái lập tỉnh vào khoảng tháng 5/1992, tình hình kinh tế xã hội của tỉnh đặc biệt khó khăn. Trà Vinh không chỉ là tỉnh nghèo nhất trong cả nước mà còn là tỉnh có đông đồng bào dân tộc, khoảng cách giữa đời sống đồng bào Khmer và mặt bằng chung quá lớn, hạ tầng không đáp ứng được điều kiện phát triển đời sống, hệ thống chính trị yếu kém, bản sắc dân tộc cũng không được bảo tồn, phát huy, điều này khiến ông trăn trở rất nhiều. Trong thời gian đó, tỉnh Trà Vinh cũng có đề ra nhiều chủ trương chính sách để phát triển vùng đồng bào Khmer, nhưng hiệu quả mang lại không như mong đợi. Trước những nhu cầu bức thiết đó, ông trực tiếp cho tổng kết rút kinh nghiệm các chỉ thị, Nghị quyết trước đó của tỉnh và cho xây dựng Nghị quyết 06 với mục tiêu “phát triển toàn diện vùng đồng bào Khmer”.
Trong câu chuyện với chúng tôi, sau 7 năm nhìn lại thành quả từ một nghị quyết, ông không giấu nổi niềm vui, ông cho biết: Nghị quyết 06 đi vào đời sống thực sự đã mang lại một cuộc sống mới cho đồng bào Khmer Trà Vinh. Trước khi ban hành Nghị quyết, về hạ tầng giao thông, toàn tỉnh các con đường đi từ trung tâm tỉnh đến các xã vẫn là đường đá chiếm 50%. Đường giao thông liên ấp cũng chỉ đến được một vài điểm của huyện, thì hiện nay, toàn tỉnh đã có trên 600 km đường láng nhựa và trên 1.500 km đường giao thông nông thôn được bê tông hóa. Giao thông liên ấp, liên xã thông suốt, cơ bản xóa cầu tạm bợ, thay bằng cầu bê tông cốt thép, 100% xã có điện hạ thế, với trên 90% hộ Khmer sử dụng điện và sử dụng nước hợp vệ sinh (67.379 hộ). Trong khi trước đó, hơn 60% hộ dân chưa có điện, trong đó hộ Khmer chiếm gần 50%. Đồng bào Khmer chủ yếu dùng nước mưa, nước kênh rạch và giếng tự đào.
Nghị quyết 06 còn mang lại sự đổi thay cơ bản trên các mặt y tế, giáo dục, văn hóa trong vùng đồng bào Khmer. Nếu như tại thời điểm tái lập tỉnh, số trạm y tế ở các xã còn rất ít, đặc biệt là đối với vùng đồng bào Khmer, thì hiện nay, toàn tỉnh đã có 5 cán bộ y tế là người dân tộc Khmer, tăng hơn gấp đôi so với giai đoạn trước. Trên 97% trạm y tế xã hoặc phòng khám đa khoa khu vực vùng đồng bào Khmer đều có bác sĩ, 39/50 xã, phường, thị trấn vùng có đông đồng bào dân tộc được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế. Trước kia cứ 10 người Khmer mới có 1 người đi học. Hiện nay khoảng 4 người Khmer có 1 người đi học. Toàn tỉnh hiện có 55.375 học sinh Khmer, chiếm 30,31% so với tổng số học sinh toàn tỉnh. Số học sinh Khmer thi đậu vào các trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp hàng năm đều tăng, cùng với chính sách xét tuyển, cử tuyển và chính sách ưu tiên khác nên tỷ lệ này còn cao hơn so với mặt bằng chung. Ngữ văn Khmer được dạy chính thức trong các cấp học phổ thông cơ sở trong các trường dân tộc nội trú của tỉnh và các huyện.
Đặc biệt, tôn giáo truyền thống của đồng bào là Phật giáo Nam tông được chính quyền quan tâm, phát huy, từ việc xây dựng, tu sửa lại các chùa chiền, danh thắng, các sư sãi còn được tạo điều kiện học tập nâng cao kiến thức. Có thể nói chưa có giai đoạn nào trong lịch sử vùng đất Trà Vinh, Phật giáo Nam tông theo truyền thống của đồng bào Khmer phát triển mạnh như hiện nay. Một con số đáng mừng nữa là tỷ lệ Đảng viên Khmer trước đây chưa đến 4%, đến thời điểm hiện nay tỷ lệ này là khoảng hơn 20%, cán bộ Khmer ngày càng nhiều và giữ những chức vụ lãnh đạo trong các cơ quan lãnh đạo cao nhất của tỉnh. Cụ thể hóa Nghị quyết này, Tỉnh ủy còn có chỉ thị phát triển đảng viên trong vùng đồng bào dân tộc và giới sư sãi.
Sự đổi thay và phát triển trên vùng đất nghèo khó này, giờ có thể cảm nhận được qua từng câu hát Dù kê, qua nét mặt hồ hởi trong lễ hội đua ghe ngo, trong ánh mắt tràn đầy niềm tin khi nhìn theo chiếc đèn lồng gió bay lên trong mùa Ok Om Bok… Những nét văn hóa đặc trưng ấy từng bị mai một trong một quá khứ nghèo khó, tất cả giờ đã được phục hồi cùng với đời sống sung túc, ấm no.
Bài và ảnh: Lê Hiền