Những ngày giáp Tết Nguyên đán Quý Tỵ, chúng tôi đến với xóm miền núi Ao Cống (xã Phú Đô, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên). Đây là xóm duy nhất trong tỉnh vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã có nhiều thành tích trong thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" giai đoạn 2005 - 2010.
Người Sán Chí chơi các trò chơi truyền thống trong dịp Tết. Ngay từ đầu làng, tiếng hát, tiếng đàn của đội văn nghệ xóm để chuẩn bị cho chương trình biểu diễn nghệ thuật đón Xuân đã rộn ràng làm náo nức một vùng quê. Ao Cống nằm cách trung tâm xã gần 2,5 km, cả xóm có hộ dân với trên 270 nhân khẩu đều là người dân tộc Sán Chí. Người dân nơi đây sống đoàn kết, một lòng gắn bó cùng tạo ra sức mạnh chuyển mình cho Ao Cống hôm nay.
Bí thư Chi bộ xóm Trần Quốc Hoa cho biết: Trước đây, cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn bởi những hủ tục rườm rà trong cưới xin, ma chay, lễ hội. Họ không thiết tha với các phong trào của xóm. Mãi đến năm 1998, khi phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" được triển khai xuống cơ sở, cùng với sự vận động của các cấp chính quyền, bà con trong xóm đã nhận thức sâu sắc ý nghĩa thiết thực của phong trào là tiến tới mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Xuất phát từ nhận thức trên, xóm đã thành lập Ban Chỉ đạo cuộc vận động gồm các thành viên có năng lực, là những cán bộ nòng cốt trong xóm, những cán bộ này đã họp bàn với nhân dân xây dựng quy chế làm việc, chương trình kế hoạch hành động cho từng giai đoạn, dần đưa phong trào vào cuộc sống. Xác định xóa đói giảm nghèo là chương trình trọng tâm để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, bà con trong xóm đã tích cực tham gia học các lớp tập huấn về trồng trọt và chăn nuôi.
Từ đó, bà con đã biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa nhiều loại giống ngắn ngày có năng suất cao, ổn định vào gieo trồng như các giống lúa lai, lúa thuần. Ngoài ra, bà con còn cải tạo diện tích chè trung du bằng các giống chè cành mới có năng suất cao, chất lượng tốt. Nhiều hộ dân đã biết mạnh dạn đầu tư vào phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo mô hình gia trại.
Từ một làng quê nghèo, đến nay nhiều gia đình ở Ao Cống đã có thu nhập từ 50 đến 100 triệu đồng/năm. Xóm không còn hộ đói, đời sống của người dân được ổn định, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 13 triệu đồng/năm. Trên 80% gia đình có nhà xây kiên cố và bán kiên cố, hầu như tất cả các hộ đều có phương tiện nghe nhìn, rất nhiều nhà mua được xe máy, máy cày để phục vụ sản xuất và chăn nuôi.
Tỷ lệ hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa hàng năm là 100%. Trong 14 năm liên tục, xóm không có người sinh con thứ 3. Chi bộ xóm luôn giữ vững danh hiệu Chi bộ trong sạch vững mạnh trong 15 năm liền. Đời sống kinh tế đi lên nên việc vận động người dân đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng và các thiết chế văn hóa cũng thuận lợi hơn. Đặc biệt, 8 đảng viên trong xóm luôn là nòng cốt tiên phong trong mọi hoạt động, nhất là các phong trào đóng góp làm đường, xây dựng kênh mương, hệ thống thủy lợi...
Ao Cống hôm nay đã thực sự khởi sắc, xứng đáng là điểm sáng trong phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" của tỉnh Thái Nguyên.
Thu Hằng