Sau một thời gian xuất khẩu (XK) rơi vào tình trạng ảm đạm, những ngày này, ngành chế biến, xuất khẩu gỗ đang dồn dập nhận các đơn hàng.
Cầu tăng mạnh
Ngành gỗ Việt Nam vốn tập trung phục vụ khách hàng ở phân khúc trung bình “bỗng nhiên đắt hàng” khi người tiêu dùng thế giới không còn hào phóng như thời gian trước mà dè sẻn trong chi tiêu, mua sắm. Theo đánh giá của Bộ Công Thương, xu hướng tiêu dùng đồ gỗ của thị trường thế giới đã có sự thay đổi khi chuyển từ đồ nội thất cao cấp sang hạng trung bình. “Mặc dù tăng trưởng nhanh nhưng đến nay, thị phần đồ nội thất của Việt Nam trên thị trường thế giới mới chỉ đạt tỷ lệ 1%. Cơ hội còn nhiều đối với ngành chế biến xuất khẩu gỗ. Các doanh nghiệp phải nghĩ cách sản xuất sao cho sản phẩm sử dụng được lâu hơn, chất lượng vẫn giữ nguyên, nhưng giá không tăng”, ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng thư ký Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam nhận định.
Sản phẩm gỗ xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở huyện Thường Tín, Hà Nội. |
Hiện Mỹ là thị trường chính nhập khẩu gỗ, sản phẩm gỗ của Việt Nam và nhu cầu nhập khẩu vẫn đang tiếp tục gia tăng. Tiếp theo là thị trường EU mặc dù có mức sụt giảm lớn nhất trong những tháng đầu năm nhưng 2 tháng gần đây, lượng đơn đặt hàng đã tăng trở lại. Theo ông Quyền, các doanh nghiệp gỗ trong nước vốn có thế mạnh về đồ gỗ ngoài trời và những sản phẩm này rất được ưa chuộng ở thị trường EU. Trong khi đó, mùa XK mặt hàng này thường bắt đầu từ tháng 10 nên XK đồ gỗ vào EU sẽ nhộn nhịp trong các tháng cuối năm cho đến tháng 2 - 3 của năm sau. Riêng Nhật Bản, thị trường lớn thứ 3 của ngành vẫn duy trì mức tăng trưởng bền vững trong 10 tháng qua.
Ngành XK gỗ trong nước hiện đang có lợi thế hơn hẳn so với các doanh nghiệp Trung Quốc ở nhiều thị trường trọng điểm như: Mỹ, Nhật Bản... bởi lợi thế giá nhân công và nguyên liệu cạnh tranh hơn. Ngoài ra, làn sóng chuyển hướng làm ăn sang Việt Nam của nhiều nhà đầu tư nước ngoài mà trước đây chủ yếu đặt hàng từ các doanh nghiệp Trung Quốc, cũng tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam đón nhận thêm được nhiều hợp đồng mới. Khảo sát của Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam cho thấy, hiện những doanh nghiệp XK gỗ có đơn hàng tăng cao so với cùng kỳ năm 2012 như: Công ty Tavico tăng khoảng 50%, Công ty Đăng Long tăng hơn 30%...
Mục tiêu vượt 15%
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tổng kim ngạch XK gỗ và các sản phẩm gỗ 10 tháng đầu năm 2013 đạt 4,3 tỉ USD, tăng gần 15% so với cùng kỳ năm 2012. Hầu hết các thị trường đều có mức tăng khả quan. Cụ thể là Hàn Quốc tăng 49%, Nhật Bản tăng 20%, Trung Quốc tăng 17%... Ngoài ra, những thị trường nhỏ, mới khai thác cũng có sự tăng trưởng đáng kể như: Mexico tăng 120%, Hong Kong (Trung Quốc) tăng 17%, Thổ Nhĩ Kỳ tăng 2%...”Với các con số lạc quan trên, chúng tôi dự kiến năm 2013, tổng kim ngạch XK của ngành sẽ đạt khoảng 5,4 tỉ USD, tăng 15% so với năm 2012. Trong đó, ba nhà nhập khẩu quan trọng nhất, chiếm đến hơn 70% XK sẽ vẫn là Mỹ, EU và Nhật Bản”, ông Quyền nói thêm.
Ông Tim Dawson, điều phối viên về tăng cường luật pháp, quản lý và thương mại lâm sản thuộc Viện Lâm nghiệp châu Âu tại Việt Nam cho rằng, để tận dụng cơ hội, các doanh nghiệp XK gỗ của Việt Nam cần tránh những rắc rối không đáng có về luật pháp có thể ảnh hưởng đến thương hiệu. Theo đó, các doanh nghiệp phải giải trình nguồn gốc sản phẩm gỗ thông qua một hệ thống các biện pháp và quy trình mà các quốc gia nhập khẩu đưa ra. Những thông tin này bao gồm: loài, nguồn gốc, số lượng, chi tiết về nhà cung ứng và thông tin về việc tuân thủ luật pháp...
Hiện sản phẩm gỗ của Việt Nam đã được xuất khẩu sang hơn 120 quốc gia, trong đó chủ yếu là sản phẩm nội thất phòng ngủ, phòng ăn nhà bếp và đồ gỗ ngoài trời... Nhằm đón đầu sự dịch chuyển những đơn đặt hàng lớn tới Việt Nam trong những năm tới, theo các chuyên gia kinh tế, ngay từ lúc này, doanh nghiệp phải tăng cường năng lực sản xuất và đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động.
Lê Nghĩa