Sau 3 năm triển khai Quyết định 71/2009/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ xuất khẩu lao động (XKLĐ) ở huyện nghèo để giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009 - 2020, công tác này ở các huyện nghèo còn gặp rất nhiều trở ngại.
Người nghèo ngại đi làm việc ở nước ngoài
Chính sách hỗ trợ theo Quyết định 71 đã mở ra cơ hội cho người lao động ở huyện nghèo, đặc biệt là người lao động thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số đi làm việc ở nước ngoài - điều mà trước đây họ khó có thể thực hiện được.
Số lao động huyện nghèo được đưa đi làm việc ở nước ngoài chỉ đạt 20% so với kế hoạch đề ra. Trong ảnh: Lao động Việt Nam đang làm việc tại nhà máy Nhật Bản. Ảnh: Quý Hương |
Tuy nhiên, hiện nay, công tác XKLĐ huyện nghèo đang gặp phải không ít bất cập. Tại Nghệ An, từ khi triển khai chính sách này đến nay, ba huyện “trọng điểm” là Quế Phong, Tương Dương và Kỳ Sơn chỉ “xuất khẩu” được 267 lao động. Một cán bộ Phòng Việc làm (Sở LĐ - TB&XH Nghệ An) thừa nhận, công tác XKLĐ ở tỉnh đang bộc lộ những tồn tại và hạn chế: Sự quan tâm chỉ đạo của chính quyền một số huyện, xã chưa được quan tâm, chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa địa phương và doanh nghiệp trong việc tạo nguồn lao động.
Bên cạnh đó, tỷ lệ lao động bỏ học trong thời gian đào tạo nghề, ngoại ngữ và bỏ xuất cảnh khá cao. Theo lãnh đạo UBND huyện Tân Sơn (Phú Thọ), do người dân chưa mặn mà với việc ra nước ngoài làm việc nên các doanh nghiệp cũng khó tuyển lao động cho phía đối tác. Đơn cử, Công ty cổ phần Hợp tác lao động nước ngoài (LOD) đang cần tuyển 160 lao động ở huyện Tân Sơn sang làm việc tại Macao (Trung Quốc). Tuy nhiên, chỉ có 60 lao động đi học giáo dục định hướng tại công ty. Sau một thời gian, có đến 56 lao động bỏ về. Tỷ lệ lao động bỏ học ở Phú Thọ là 59%. Cá biệt, có những địa phương như Đakrông của Quảng Trị, Tân Sơn của Phú Thọ và Mường Nhé của Điện Biên, tỷ lệ bỏ khóa đào tạo lên tới 70%. Tỷ lệ lao động bỏ xuất cảnh sau đào tạo của một số địa phương như Bắc Giang, Bắc Kạn, Quảng Bình là trên 42%, Kon Tum trên 30%, Điện Biên, Hà Giang, Nghệ An, Quảng Trị, Thanh Hóa, Yên Bái trên 20%.
Theo đánh giá của các cơ quan quản lý, công tác tư vấn và điều tra nắm bắt nhu cầu đi XKLĐ tại nhiều địa phương chưa được quan tâm đúng mức. Trong khi đó, người lao động tại các huyện nghèo không dễ chấp nhận sống xa gia đình, chưa sẵn sàng làm việc trong môi trường có tính kỷ luật lao động và cường độ lao động cao.
Mặt khác, nhiều doanh nghiệp XKLĐ chưa chủ động tham gia vào công tác tuyển nguồn tại các huyện nghèo. Một số doanh nghiệp còn buông lỏng quản lý, không quyết liệt trong điều hành, tổ chức. Từ đó, dẫn đến tình trạng làm ăn chộp giật hoặc giao phó toàn bộ việc triển khai cho chi nhánh doanh nghiệp dẫn đến sai quy trình tuyển chọn. Có đơn vị có tuyển chọn, đào tạo nhưng không có hợp đồng để đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài hoặc chậm tổ chức xuất cảnh cho lao động, gây mất niềm tin đối với người lao động.
Đó là chưa kể đến, thủ tục cho vay vốn đối với lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài còn phức tạp. Sở LĐ - TB&XH Thanh Hóa cho biết, một số huyện như Quan Hóa, Lang Chánh, có trường hợp doanh nghiệp tuyển được nhiều lao động nhưng do thủ tục vay vốn khó khăn, lao động phải đi lại nhiều lần nên nhiều người chán nản và bỏ cuộc.
Gỡ khó
Hiện, số lượng lao động đăng ký đi LĐXK theo diện được quy định trong Quyết định 71 rất ít, bình quân, chỉ khoảng 160 lao động/huyện, 11 lao động/xã. Do vậy, số lao động huyện nghèo được đưa đi làm việc ở nước ngoài chỉ đạt 20% so với kế hoạch đề ra.
Để khắc phục tình trạng trên, trong thời gian tới ngành LĐ - TB&XH sẽ tăng cường giám sát, kiểm tra việc tổ chức thực hiện của các doanh nghiệp XKLĐ và cơ sở dạy nghề.
Bên cạnh đó, Bộ LĐ - TB&XH sẽ ban hành hệ thống chỉ tiêu đánh giá giám sát hoạt động của chương trình này, làm cơ sở hướng dẫn các địa phương triển khai kiểm tra đánh giá hiệu quả của chương trình.
Ngành LĐ - TB&XH cũng kiến nghị Chính phủ cho phép điều chỉnh lại mức hỗ trợ liên quan đến sinh hoạt phí, chi phí ăn ở, đi lại từ nơi cư trú đến huyện, từ huyện đến nơi đào tạo; bổ sung một số nội dung hỗ trợ liên quan đến chi phí thuốc men, điều trị cho người lao động trong thời gian học nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết chờ xuất cảnh.
Để tháo gỡ khó khăn trong việc vay vốn cho lao động nghèo đi XKLĐ, Bộ LĐ - TB&XH cũng đề xuất Ngân hàng chính sách xã hội nghiên cứu, có cơ chế đặc thù cho đối tượng này. Chẳng hạn, ngân hàng bỏ yêu cầu “người lao động phải gia nhập tổ tiết kiệm và vay vốn, họp tổ tiết kiệm và vay vốn để kiểm tra các yếu tố trên giấy đề nghị vay vốn”; cho phép các hộ gia đình có lao động đi làm việc nước ngoài được vay vốn trực tiếp tại Ngân hàng chính sách xã hội nếu có đủ chứng minh thư (nếu lao động là đồng bào dân tộc thiểu số), hoặc sổ hộ nghèo (nếu đối tượng là hộ nghèo).
Mạnh Minh