Y sỹ dân tộc Cor hết lòng vì bệnh nhân

Y sĩ Hồ Thanh Hiền, 60 tuổi, dân tộc Cor, đã gắn bó với công việc khám chữa bệnh cứu người trong 34 năm qua, trong đó có 29 năm làm Trưởng trạm y tế xã. Ông luôn hết mình làm tròn trách nhiệm, tấm lòng “lương y như từ mẫu” của một người thầy thuốc nơi rẻo cao.

Y sĩ Hồ Thanh Hiền đang khám bệnh cho đồng bào.

Sinh ra và lớn lên ở xã miền núi Trà Hiệp, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi, sớm chịu cảnh mồ côi, ông Hồ Thanh Hiền lớn lên trong sự đùm bọc, cưu mang của họ hàng và bà con chòm xóm. Năm 1978, ông theo học lớp y sĩ của Trường trung cấp Y Nghĩa Bình (Quảng Ngãi). Trong suốt 3 năm đi học, ông Hiền lặn lội đi đi về về giữa Trà Bồng - Quảng Ngãi. Quãng đường xa xôi cùng vô vàn khó nhọc vẫn không làm ông nản lòng mà bỏ học giữa chừng. Những hình ảnh về quê hương, nơi bà con vẫn còn mê muội cúng bái mỗi khi ốm đau, đã thôi thúc ông “bám” khóa học đến cùng.


Sau khi học xong, ông trở về quê hương và bắt đầu thực hiện những dự định của mình. Ông lặn lội đến các thôn, bản xa xôi của các xã nơi ông công tác để khám chữa bệnh cho bà con, vận động bà con từ bỏ những hủ tục để chữa bệnh tại trạm y tế. Từng đường làng, ngõ xóm đã trở thành quen thuộc với ông. Tuy nhiên, không có sự khởi đầu nào là thuận lợi, đặc biệt đối với đồng bào dân tộc thiểu số thì việc thuyết phục để họ tin theo là vô cùng khó khăn. Đến nhà nào, ông cũng phải nhận ánh mắt dò xét cùng những cái lắc đầu, bởi suy nghĩ “bệnh là do con ma hành, phải nhờ thầy mo cúng tế” đã ăn sâu vào tâm tưởng của người dân địa phương. Ông Hiền tâm sự: “Những ngày mới đi làm, nhiều lần tôi bị người của các thầy mo đuổi đánh vì mình cản trở việc kiếm cơm của họ. Bên cạnh đó, do chưa có kinh nghiệm, tôi chỉ chữa trị được một số bệnh thông thường, nên chưa được bà con tin theo. Đã có những lúc nản lòng, nhưng rồi nhờ những già làng có uy tín vận động đồng bào chữa bệnh bằng thuốc, tôi mới có thể tiếp tục công việc của mình”.


Khi đã có được lòng tin của bà con về việc chữa bệnh theo thuốc, ông Hiền lại tiếp tục rong ruổi trên khắp nẻo đường để diệt sốt rét - căn bệnh hoành hành thời bấy giờ. Nhiều đợt, ông đi vào tận các khu rừng sâu hẻo lánh, tìm đến gia đình người bệnh để khám và cấp phát thuốc. “Một số gia đình đồng bào vì lý do mê tín nên đã chuyển vào ở trong các khu rừng, những người này nếu mắc bệnh sốt rét mà không có thuốc thì chỉ có nằm chờ thần chết. Vì vậy, có những lúc tôi phải một mình vào rừng hàng tuần liền để chữa bệnh cho họ”, ông Hiền kể.


“Nhiều năm trước, tôi bị sốt rét. Nếu không có y sĩ Hiền thì tôi chẳng sống được đến bây giờ. Nửa đêm ông vẫn lặn lội hơn 15 km để đến nhà tôi khám bệnh và cho thuốc rồi cùng gia đình thức đến sáng để canh chừng tôi”, bà Hồ Thị Thưa, ở thôn Nguyên, xã Trà Hiệp cho biết.


Sau này, khi đã làm Trạm trưởng Trạm y tế xã Trà Sơn, rồi Trà Hiệp, đôi chân ông Hiền cũng chẳng chịu đứng yên. Dù là ban đêm hay mưa gió bão bùng, chỉ cần người nhà bệnh nhân gõ cửa, ông lại đến tận nhà họ để làm công việc cứu người. Không chỉ khám chữa bệnh, vị thầy thuốc giàu lòng nhân ái này còn kiêm luôn nhiệm vụ hộ sinh. Đã có hàng chục đứa trẻ cất tiếng khóc chào đời trên đôi tay của ông. Trong đó, nhiều ca vì sản phụ cách quá xa trạm y tế, đường đi lại gập ghềnh, vị y sĩ tận tâm này đã đến tận nhà để làm “bà đỡ”.


Với sự tận tụy và hết lòng vì quê hương, lương y Hồ Thanh Hiền đã vinh dự nhận Giải thưởng - học bổng Đặng Thùy Trâm do báo Tuổi trẻ trao tặng. Ông còn là một trong 11 gương mặt đại diện cho tỉnh Quảng Ngãi đi dự Hội nghị tuyên dương cán bộ y tế cơ sở miền núi, vùng khó khăn xuất sắc tiêu biểu tại Thủ đô Hà Nội.


Bài và ảnh: Đinh Thị Hương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN