Y tế dự phòng - Bài 2: 'Lỗ hổng' nguồn nhân lực

Cơ sở vật chất, kinh phí, trang thiết bị thiếu thốn, thu nhập thấp hơn nhiều so với hệ điều trị... đó là những lý do khiến nhân lực y tế dự phòng cứ rơi rụng dần.
GS.TS Trịnh Quân Huấn, chuyên gia cao cấp về lĩnh vực y tế dự phòng, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, đã trao đổi với Tin tức về nguyên nhân sâu xa của thực trạng này.

 

´Đề nghị Giáo sư (GS) cho biết đánh giá của ông về chất và lượng của đội ngũ cán bộ y tế dự phòng (YTDP) hiện nay?


Hệ thống YTDP Việt Nam khá hoàn chỉnh, bao gồm: Cấp TƯ có Cục YTDP, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Cục Quản lý môi trường y tế và 14 viện nghiên cứu đầu ngành; cấp tỉnh có các trung tâm YTDP, trung tâm phòng chống HIV/AIDS, trung tâm phòng, chống sốt rét, chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm...; cấp huyện là các trung tâm y tế huyện; cấp xã là các trạm y tế xã; dưới xã là hệ thống cộng tác viên thôn, bản. Vì vậy, nếu được quan tâm đúng mức, hệ thống YTDP hoàn toàn có thể thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho cộng đồng.


 

Do chưa được đầu tư đúng mức, nhiều năm nay cán bộ YTDP hầu như chỉ được biết đến với vai trò là người đi chống dịch. Ảnh: Dương Ngọc- TTXVN

 

Tuy nhiên, sự đầu tư cho YTDP thời gian qua chưa đầy đủ ở cả 3 lĩnh vực: Cơ sở vật chất, nhân lực và trang thiết bị. Riêng về nhân lực YTDP thì đang thiếu về số lượng và yếu về chất lượng. Nguồn lực cán bộ hiện nay mới đáp ứng được 76% nhu cầu tuyến TƯ, 55% nhu cầu tuyến tỉnh, 43% nhu cầu tuyến huyện...


Ngay tại các đơn vị ở tuyến TƯ thì tình trạng nhân lực cũng rất khó khăn: 5 năm liền, khoa Dịch tễ của Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên không tuyển được một bác sĩ nào. Ngay cả Viện Y học lao động và vệ sinh môi trường Hà Nội, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, Viện Pasteur Nha Trang cũng ở trong tình trạng tương tự. Thậm chí, việc đề bạt cán bộ lãnh đạo ở nhiều viện đầu ngành hiện nay cũng đang rất khó khăn vì không có đội ngũ cán bộ kế cận; trong khi đó nhiều cán bộ lãnh đạo đến tuổi nghỉ hưu cùng lúc đang tạo ra khoảng trống khó giải quyết, tỷ lệ về hưu ở nhiều đơn vị lên tới 10 - 15%, đặc biệt ngày càng có nhiều cán bộ YTDP “nhảy việc” sang làm ở các bệnh viện...


Tại các trung tâm YTDP tuyến tỉnh cũng đang thiếu nhân lực trầm trọng, nhiều nơi chỉ đảm bảo 10 - 30% nhu cầu về cán bộ. Ví như cả Trung tâm YTDP tỉnh Yên Bái chỉ có 4 bác sỹ, Trung tâm YTDP tỉnh Lai Châu và tỉnh Tây Ninh chỉ có 6 bác sỹ... Hiệu quả hoạt động YTDP sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều nếu thiếu sự chỉ đạo về chuyên môn của các bác sĩ. Do không được đào tạo chuyên sâu nên khả năng phân tích, đánh giá tác nhân gây bệnh, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch... của các nhân viên khác không thể nhanh và hiệu quả như các bác sĩ.


Tại tuyến huyện, nhân lực YTDP còn thiếu trầm trọng hơn. Nhiều trung tâm y tế luôn ở trong tình trạng chỉ có người đi mà không tuyển được cán bộ về. Còn tại tuyến xã, tình hình khá hơn một chút nhưng chưa tới 60% trạm y tế có bác sĩ phụ trách hoặc có bác sỹ về tham gia công tác, còn lại chủ yếu là y sĩ.


Ngoài ra, hiện nay rất thiếu kỹ thuật viên giỏi làm công tác xét nghiệm, không mấy ai muốn về làm công tác này dù là ở YTDP tuyến tỉnh, thậm chí tuyến TƯ. Mà nguyên tắc phòng, chống dịch là phải phát hiện ca bệnh sớm, lấy bệnh phẩm xét nghiệm đúng để sớm xác định nguyên nhân gây bệnh... Vậy thiếu kỹ thuật viên thì làm sao xét nghiệm được?...


´Tại sao lại thiếu cán bộ YTDP trầm trọng đến vậy, thưa GS?


Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên, nhưng theo tôi nguyên nhân quan trọng nhất là trong một thời gian dài, công tác đào tạo nhân lực YTDP đã không được quan tâm.


Từ năm 1975 - 1988, cán bộ YTDP chuyên khoa vệ sinh dịch tễ liên tục được đào tạo. Nhưng từ 1988 - 2005, hoạt động này bỗng dưng bị ngắt quãng. Từ năm 2006 - 2007 đến nay thì hoạt động đào tạo bác sĩ YTDP chính quy mới tiếp tục được quan tâm và triển khai. Hơn 15 năm chúng ta không đào tạo cán bộ YTDP nên đương nhiên dẫn đến “lỗ hổng” lớn về nhân lực YTDP hiện tại và cả trong vòng 15 năm nữa. Phần lớn các BS công tác trong hệ thống YTDP hiện nay là BS đa khoa chuyển sang, thiếu sự đào tạo chuyên sâu về YTDP.


Theo tôi, vấn đề cơ bản ở đây là thiếu sự tập trung đúng hướng về đường lối trong công tác đào tạo nhân lực YTDP. Ngay như hiện nay, việc định hướng cho công tác đào tạo nhân lực thuộc lĩnh vực YTDP vẫn không rõ ràng. Năm 2012, Bộ trưởng Bộ Y tế đã phê duyệt Chiến lược phát triển nguồn nhân lực y tế đến năm 2020, trong đó nêu rất cụ thể việc đào tạo nguồn nhân lực cho YTDP. Nhưng thực tế thì việc đầu tư cho đào tạo nguồn nhân lực vẫn rất khó khăn. Rất khó thu hút được sinh viên đăng ký dự thi và nhập học chuyên ngành YTDP. Nguyên nhân do chế độ lương bổng, đãi ngộ sau khi ra trường của cán bộ YTDP rất thấp. Hơn nữa, các chương trình khung, nội dung đào tạo đều rất cũ không được cập nhật hoặc mới được xây dựng cũng ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực của YTDP vốn đã vừa thiếu vừa yếu này.


´Việc bộ máy tổ chức hệ thống YTDP xáo trộn liên tục thời gian qua có phải là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn nhân lực của ngành không, thưa GS?


Sự xáo trộn về tổ chức cũng là một yếu tố ảnh hưởng tới nguồn nhân lực của hệ thống YTDP. Bởi vì, việc chia tách về tổ chức sẽ dẫn tới sự chia sẻ về nhân lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất.


Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng việc chia tách tổ chức ở hệ điều trị diễn ra mạnh hơn so với hệ YTDP. Ví dụ, trong các BV tuyến tỉnh (kể cả bệnh viện TƯ) đang có sự chia tách mạnh thành các khoa nhi, sản, u bướu, nội tiết... Nhưng có điều sự chia tách này không ảnh hưởng đến công tác khám chữa bệnh. Điều này cho thấy, cả địa phương và ngành y tế đều rất “ưu ái” hệ điều trị, luôn có sự chuẩn bị sẵn sàng về nguồn lực để đảm bảo cho sự chia tách về tổ chức. Nhưng ở hệ thống YTDP thì không được quan tâm như vậy; trước và sau khi có các quyết định chia tách mạnh về tổ chức, hệ thống YTDP không hề có một dự án nào lớn để đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhất là việc bù đắp “lỗ hổng” về nhân lực.

 

Theo GS, cần phải làm gì để nâng cao năng lực và đặc biệt thu hút được nguồn nhân lực công tác trong hệ thống YTDP?

 

Theo tôi, có 2 việc cần phải triển khai sớm: Thứ nhất là xây dựng và ban hành các chính sách ưu đãi cả về đào tạo nguồn nhân lực lẫn tập trung ưu tiên xây dựng cơ sở vật chất cho tuyến tỉnh và tuyến huyện; thứ hai là tăng cường các dịch vụ y tế trong lĩnh vực YTDP để các cán bộ YTDP có thêm thu nhập, yên tâm “bám” nghề để hoàn thành chức năng và nhiệm vụ về lĩnh vực YTDP được giao. Đơn cử, sinh viên YTDP cần được cấp học bổng; cán bộ YTDP hoàn toàn có thể khám, tư vấn cho người dân trong việc chăm sóc sức khỏe ban đầu, giúp người dân phòng tránh các bệnh mãn tính không lây (huyết áp, tim mạch, tiểu đường...) hoặc thực hiện kiểm tra chỉ số sinh hóa, huyết học, dịch vụ tiêm chủng, dịch vụ về an toàn vệ sinh thực phẩm, về bảo vệ môi trường, về an toàn lao động, phòng chống tai nạn thương tích, y tế học đường...


Xin cảm ơn GS!


Phương Liên (thực hiện)

Y tế dự phòng - Bài 1: Gieo gì, gặt nấy
Y tế dự phòng - Bài 1: Gieo gì, gặt nấy

Tình trạng quá tải bệnh viện nhiều năm nay chính là hệ quả tất yếu của một số sai lầm trong hoạch định chính sách y tế, đặc biệt là việc quá chú trọng đầu tư cho công tác điều trị nhưng lại sao nhãng hệ thống y tế dự phòng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN