Tình trạng quá tải bệnh viện nhiều năm nay chính là hệ quả tất yếu của một số sai lầm trong hoạch định chính sách y tế, đặc biệt là việc quá chú trọng đầu tư cho công tác điều trị nhưng lại sao nhãng hệ thống y tế dự phòng.
Y tế dự phòng (YTDP) có khả năng ngăn chặn bệnh tật ngay từ khi nó chưa xảy ra, hạn chế ở mức thấp nhất số lượng bệnh nhân phải tìm đến các cơ sở y tế. Như vậy, nếu làm tốt công tác YTDP chắc chắn sẽ hạn chế được tình trạng quá tải bệnh viện.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh
Hơn 10 năm qua, dù ngành y tế đã rất cố gắng để triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ tình trạng quá tải bệnh viện (BV) nhưng đến nay vấn nạn này vẫn diễn ra khá trầm trọng tại phần lớn BV tuyến tỉnh, tuyến TƯ. Nhiều bệnh nhân vẫn phải nằm ghép 3 - 4 người/giường, kèm theo đó là vấn nạn về phong bì, các sự cố tai biến trong điều trị và thái độ gắt gỏng của một số không nhỏ y, bác sĩ...
Cán bộ YTDP có thể xuống tận cộng đồng, hướng dẫn người dân làm tốt công tác phòng bệnh, ngăn chặn bệnh dịch xảy ra. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN |
Trả lời chất vấn trước Quốc hội trong năm 2012, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định: Việc giải quyết tình trạng quá tải BV là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành y tế trong giai đoạn 2011 - 2016. Thời gian qua, Bộ Y tế đã chỉ đạo tập trung vào một số công tác như: xây dựng, nâng cấp một số BV, chuyên khoa ở trong tình trạng quá tải trầm trọng; ứng dụng công nghệ thông tin, rà soát quy trình khám, chữa bệnh để giảm thời gian chờ đợi của người bệnh; bố trí và tận dụng các khu vực có hiệu suất sử dụng thấp để kê thêm giường bệnh nội trú; ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến nhằm rút ngắn thời gian điều trị... Đặc biệt, Bộ Y tế đang trình Chính phủ phê duyệt Đề án giảm quá tải BV giai đoạn 2012 - 2020 với rất nhiều giải pháp.
Nhưng liệu với những “phương thuốc” chủ yếu tập trung cho hệ thống điều trị như bấy lâu có giải quyết được “bệnh” quá tải BV? Câu trả lời mà nhiều chuyên gia y tế đầu ngành đưa ra là “hoàn toàn không thể”. Đơn giản một lẽ, việc đầu tư cơ sở vật chất, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến hay mua sắm thêm trang thiết bị hiện đại là để chữa bệnh chứ không thể ngăn ngừa bệnh tật cho người dân ngay từ khi nó chưa xảy ra. Nếu không thực hiện tốt công tác YTDP, không thực hiện tốt công tác hăm sóc sức khỏe ban đầu thì dù có đầu tư bao nhiêu cho hệ thống điều trị thì cũng không thể đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh khi các bệnh lây nhiễm và không lây nhiễm trong cộng đồng ngày càng có xu hướng gia tăng.
Gốc có vững cây mới bền
TS Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng, nhận định: “Chiến lược phát triển của ngành y tế đang bị cuốn theo các hoạt động của lĩnh vực y học điều trị, tức là tập trung quá nhiều cho hệ thống điều trị nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Đó là một hướng đi không phù hợp, mới chỉ giải quyết “phần ngọn” chứ chưa giải quyết được “phần gốc” của vấn đề quá tải BV”.
Thực tế, nhiều nghiên cứu của ngành y tế đã chỉ ra rằng so với “bệnh” quá tải thực (tập trung ở một số chuyên khoa như: ngoại chấn thương, sản, nhi, ung thư...) thì tình trạng “quá tải ảo” do người bệnh có tâm lý thích khám bệnh ở BV tuyến tỉnh, tuyến TƯ mới là nguyên nhân chính và rất khó “chữa trị”. Lý do mà người dân muốn vượt tuyến là do cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế và nhất là nguồn nhân lực ở BV tuyến dưới đang yếu và thiếu trầm trọng. Trong khi đó, các BV tuyến trên luôn là nơi được đầu tư trang thiết bị hiện đại và trình độ nhân lực hơn hẳn tuyến dưới. Vì vậy, dù ngành y tế có “siết” chính sách chuyển viện hay nâng mức cùng chi trả viện phí đối với bệnh nhân BHYT vượt tuyến... thì cũng khó tránh khỏi tình trạng “quá tải ảo” tại những cơ sở y tế có thương hiệu vượt trội.
Nhưng điều đáng lo lắng hơn cả là cùng một lúc Việt Nam đang phải đối phó với “gánh nặng kép” về bệnh lây nhiễm (cúm A/H5N1, chân tay miệng, sốt xuất huyết...) và bệnh không lây nhiễm (như bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư...).
Báo cáo của Bộ Y tế cho thấy, sự xuất hiện khó lường của một số bệnh dịch lây nhiễm trong những năm qua là nguyên nhân tạo nên sự gia tăng dồn dập bệnh nhân theo từng thời điểm nhất định, gây nên tình trạng quá tải trầm trọng ở các BV Nhi TƯ, BV Bệnh nhiệt đới TƯ, BV Nhi Đồng 1, BV Nhi Đồng 2 (TP Hồ Chí Minh)...
Bên cạnh đó, tỷ lệ mắc các bệnh không lây nhiễm cũng gia tăng đến mức báo động. Số liệu nghiên cứu mới nhất của ngành y tế phản ánh, gánh nặng của bệnh không lây nhiễm chiếm tới 71% trong tổng gánh nặng bệnh tật, cao gấp 6 lần so với các bệnh lây nhiễm. Ước tính trung bình mỗi năm Việt Nam có hơn 350.000 ca tử vong do các bệnh không lây nhiễm, trong đó tử vong do bệnh tim mạch là 70.000 ca, ung thư 66.000 ca, đái tháo đường 13.000 ca... Nguyên nhân được xác định là liên quan nhiều đến lối sống: ít hoạt động thể lực, hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, dinh dưỡng bất hợp lý (dư thừa chất béo, đạm), môi trường ô nhiễm...
“Nếu phòng và điều trị sớm thì 90% ca bệnh có thể điều trị bằng phương pháp không phải dùng thuốc, tức là chỉ cần hướng dẫn người bệnh điều trị thông qua các phương pháp như: Tập luyện thể thao, liệu pháp tâm lý, phòng chống thói quen xấu và tăng thói quen tốt... Rõ ràng, chỉ hệ thống YTDP mới có thể giúp người dân phòng ngừa bệnh tật, nhất là những bệnh không lây nhiễm một cách hiệu quả, qua đó giải quyết tận gốc tình trạng quá tải BV chứ không phải là hệ thống điều trị”, TS Trần Tuấn khẳng định.
Với các chức năng của mình, hệ thống YTDP không những giúp người dân tăng cường sức khỏe ngay từ khi chưa mắc bệnh, nâng cao chất lượng cuộc sống mà còn giảm được khoản chi phí rất lớn cho cả cá nhân và xã hội trong điều trị bệnh. Nhiều nghiên cứu đã khẳng định rằng, nếu chi một đồng cho YTDP sẽ tiết kiệm được nhiều đồng trong điều trị khi để dịch bệnh xảy ra. Nghiên cứu mới đây của Tổ chức Y tế thế giới và Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ về hiệu quả của công tác tiêm chủng tại Việt Nam cho thấy, một đồng chi cho tiêm chủng mở rộng sẽ tiết kiệm được 21 đồng cho điều trị.
Vậy nên, để phòng chống quá tải BV thì đầu tư cho công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cũng chính là cho YTDP mới chính là kế “sâu rễ bền gốc”. Quan trọng là thế, nhưng vì chưa được quan tâm và đầu tư đúng mức nên nhiều năm qua, hệ thống YTDP phải hoạt động trong tình trạng “thiếu trước, hụt sau”, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả công việc. phương liên
Bài 2: “Lỗ hổng” về nguồn nhân lực