Phát biểu khai mạc cuộc gặp, ông François Corbin, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Pháp - Việt, đại diện đặc trách của Bộ trưởng Ngoại giao Pháp trong quan hệ kinh tế với các nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), đã nhiệt liệt chào mừng đoàn đại biểu Thành phố Hồ Chí Minh. Ông bày tỏ tin tưởng Việt Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục đạt được mức tăng trưởng cao trong những năm tới.
Ông Corbin khẳng định: “Khi nhìn vào những con số, chúng tôi thấy rằng trao đổi kinh tế giữa hai nước vẫn còn hạn chế, chưa tương xứng với quan hệ trên lĩnh vực văn hóa, giáo dục hay y tế. Do đó, chúng tôi cho rằng chúng ta có thể làm tốt hơn nữa và chuyến thăm của quý vị ngày hôm nay là cơ hội tốt để tăng tốc phát triển”.
Bí thư Nguyễn Văn Nên đã giới thiệu tiềm năng và những thách thức kinh tế - xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay, cũng như những thách thức phát triển trong thời gian tới. Theo thống kê, dân số thành phố hiện có 15 triệu người và liên tục tăng lên do xu hướng di cư từ các tỉnh tới, tầng lớp trung lưu mở rộng khá nhanh. Thành phố có khoảng 300.000 doanh nghiệp đang hoạt động, chiếm tỷ lệ khá lớn trong nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, thành phố đang gặp phải nhiều thách thức trong đó lớn nhất là cơ sở hạ tầng chưa phù hợp, xuất hiện nhiều điểm nghẽn cục bộ đòi hỏi phải giải quyết, không chỉ về giao thông mà cả các lĩnh vực khác như giáo dục, y tế. Một số lĩnh vực khác như chương trình chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực, môi trường, nguồn nước… hiện cũng gặp phải một số khó khăn. Trong tương lai, Thành phố Hồ Chí Minh nằm trong số 10 đô thị lớn trên thế giới bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu.
Bí thư Nguyễn Văn Nên nói: “Cơ quan đặc trách về phát triển thành phố bền vững của Medef tập hợp 82 doanh nghiệp lớn. Chúng tôi rất khát khao, rất muốn phát triển bền vững. Chúng tôi cần sự hỗ trợ của cộng đồng doanh nghiệp Pháp, nghiên cứu hỗ trợ Thành phố Hồ Chí Minh để xây dựng phương án phù hợp”.
Đại diện các doanh nghiệp Pháp, bao gồm ngân hàng Société Générale, các tập đoàn quảng cáo JCDecaux, tập đoàn công nghiệp vận tải và đường sắt Alstom… đã đặt ra những câu hỏi rất cụ thể về nhu cầu của thành phố trong lĩnh vực phát triển bền vững, giới thiệu một số giải pháp về tăng cường phương tiện giao thông thân thiện với môi trường và bày tỏ nguyện vọng tham gia vào dự án liên quan trong những năm tới. Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Bùi Xuân Cường đã giải đáp cụ thể các vấn đề trên.
Tại cuộc họp, Bí thư Nguyễn Văn Nên đã đề nghị các doanh nghiệp Pháp đã và đang đầu tư vào Việt Nam tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương để tháo gỡ khó khăn nếu có. Ông yêu cầu Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố trực tiếp phân công cán bộ để giải quyết vấn đề liên quan đến một dự án bất động sản của nhà đầu tư Pháp.
Đối với các doanh nghiệp quan tâm đến chương trình cải tạo sông Sài Gòn và dự án đường sắt đô thị số 2, ông Nguyễn Văn Nên đề nghị họ liên hệ trực tiếp với Giám đốc Sở giao thông vận tải Trần Quang Lâm. Ông cũng mời Phòng Công nghiệp Pháp tại Việt Nam hỗ trợ thành phố kết nối với các doanh nghiệp Pháp. Bí thư Nguyễn Văn Nên đề nghị: “Thành phố Hồ Chí Minh đã thiết lập cơ quan phụ trách kết nối với doanh nghiệp là Trung tâm xúc tiến đầu tư thương mại du lịch dịch vụ. Nếu các doanh nghiệp Pháp có vấn đề gì, hãy trao đổi với họ để xử lý nhanh”.
Theo ông Gerard Wolf, Chủ tịch Nhóm đặc trách về thành phố bền vững thuộc Bộ Ngoại giao Pháp, các doanh nghiệp Pháp tham gia nhóm có thể cung cấp dịch vụ trên 4 lĩnh vực chính, đó là nước sạch và quản lý nguồn nước, nước thải, năng lượng sạch, xử lý chất thải và giao thông công cộng. Để triển khai 4 lĩnh vực này, các doanh nghiệp Pháp tập trung vào 2 giải pháp cơ bản là đổi mới sáng tạo, triển khai nhanh các thành quả nghiên cứu đổi mới thông qua các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tăng cường công nghệ số hóa, hỗ trợ và tối ưu hóa hiệu quả, cơ hội thành công của các dự án. Ông cho rằng, quan điểm của nhóm đặc trách hoàn toàn phù hợp với tầm nhìn của Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay.