Đây là thông tin nổi bật được ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đưa ra tại chương trình họp mặt các Giáo sư, Phó giáo sư, thầy thuốc tiêu biểu trong hoạt động đào tạo nguồn nhân lực y tế cho Thành phố Hồ Chí Minh ngày 21/2.
Theo Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, thành phố có tỷ lệ 20 bác sỹ/vạn dân, cao nhất cả nước, nhưng con số này còn thấp so với các nước có hệ thống y tế phát triển như Australia ( bác sỹ/vạn dân), New Zealand (34 bác sỹ/vạn dân), Hàn Quốc và Nhật Bản (25 bác sỹ/vạn dân)... Do đó, ngành Y tế đang gặp thách thức không nhỏ với công tác đào nguồn nhân lực y tế trong giai đoạn hiện nay, nhằm đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân và cả khu vực phía Nam.
Chỉ ra ra nghịch lý tồn tại về công tác đào tạo nhân lực y tế, ông Tăng Chí Thượng cho rằng, số lượng bác sỹ chuyên khoa luôn cao hơn nhiều so với bác sỹ thực hành tổng quát (bác sỹ đa khoa, bác sỹ gia đình). Nguyên nhân là các bác sỹ mới tốt nghiệp đều có xu hướng muốn trở thành bác sỹ chuyên khoa.
“Thực trạng nghịch lý này khiến hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu tại y tế cơ sở sẽ còn gặp nhiều khó khăn, khó phát triển”, ông Tăng Chí Thượng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, tình trạng bệnh viện quá tải và nhiều hệ quả đã bộc lộ rõ trong giai đoạn bùng phát dịch COVID-19 còn tiếp diễn. Ngoài ra, nhiều loại hình nhân viên tế chưa được cơ sở y khoa đào tạo hoặc đào tạo không đủ số lượng so với nhu cầu thực tế. Cụ thể, loại hình chuyên viên cấp cứu ngoài bệnh viện (Paramedic) chưa có trong danh mục đào tạo. Đây là loại hình rất cần thiết để bổ sung cho mạng lưới cấp cứu 115 của TP Hồ Chí Minh. Hay chuyên viên y tế công cộng, tuy đã được đào tạo nhưng số lượng còn ít.
Về vấn đề củng cố y tế cơ sở, ông Trần Diệp Tuấn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh cho biết, trong nhiều thập kỷ qua, các hội nghị cấp quốc tế của ngành y học đã khẳng định vai trò quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu. Trong đại dịch COVID-19, tầm quan trọng của hệ thống, mạng lưới y tế cơ sở một lần nữa được tái khẳng định.
“Nếu hệ thống chăm sóc y tế không đặt hàng thì hệ thống giáo dục đào tạo không thể đáp ứng được. Khi hệ thống y tế đặt hàng, hệ thống giáo dục sẽ đáp ứng, giúp thực hiện điều mà cơ sở, mạng lưới y tế mong muốn”, ông Trần Diệp Tuấn nêu quan điểm.
Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh cho rằng, suốt thời gian qua, sự giao tiếp, trao đổi giữa bên sử dụng nhân viên y tế và hệ thống đào tạo còn thiếu. Đây là điều cần thiết phải khắc phục trong thời gian tới.
Dẫn chứng bài học của các nước trên thế giới, ông Trần Diệp Tuấn cho biết, khi gặp tình trạng giống TP Hồ Chí Minh, các nước sẽ chuyển đổi ngay mô hình đào tạo cho các y, bác sỹ mới ra trường. Cụ thể, sau tốt nghiệp, các y, bác sỹ sẽ được đào tạo vào các lĩnh vực chính liên quan đến y tế cộng đồng, y tế gia đình để có thể đủ năng lực hoạt động tại y tế cơ sở, tạo niềm tin, sự gần gũi với người dân.
Tuy nhiên, ngay cả khi đưa bác sỹ xuống hệ thống y tế cơ sở, theo Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh, vấn đề tiếp theo là làm sao để các bác sĩ trụ lại ở đó. Mấu chốt nằm ở chính sách đãi ngộ và cơ hội học tập cho các y, bác sỹ. Để giải được bài toán này, Thành phố còn nhiều việc phải bàn, phải thảo luận và cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Phát biểu tại buổi họp mặt, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, cho rằng: Không nên so sánh tỷ lệ 20,2 bác sỹ/vạn dân của TP Hồ Chí Minh với cả nước mà phải xác định đây là đô thị đặc biệt và so sánh với nước phát triển để định hướng phấn đấu lâu dài. Theo đó, UBND Thành phố Hồ Chí Minh sẽ cùng ngành Y tế phân tích đồng thời tìm giải pháp để tổ chức thực hiện trong thời gian tới. Bên cạnh đó, Thành phố sẽ lựa chọn vấn đề, nghiên cứu, hy vọng 3-5 năm nữa có thể giải quyết nghịch lý này bằng giải pháp hợp lý, phù hợp.