Cụ thể, HĐND TP Hồ Chí Minh quyết định đặt tên Thủ Thiêm cho cây cầu kết nối từ đường Ngô Tất Tố, đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) đến đường Nguyễn Cơ Thạch, Khu đô thị mới Thủ Thiêm (thành phố Thủ Đức), hiện mang tên Thủ Thiêm 1.
Việc đặt tên Thủ Thiêm là tạo cho cầu mới qua sông Sài Gòn gắn liền, tiếp nối với nhiều sự kiện lịch sử văn hóa và sự phát triển chuyển biến của vùng đất liên kề với trung tâm thành phố suốt gần 200 năm qua.
Theo Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh, cầu Thủ Thiêm 1 được xác định theo bản đồ quy hoạch giao thông của UBND TP Hồ Chí Minh năm 2012, tuy nhiên tên gọi thực tế đang sử dụng lâu nay là Thủ Thiêm. Công trình được hoàn thành và đưa vào khai thác từ năm 2010, có chiều dài phần cầu chính là 850m, phần nhánh dẫn N1 trên đường Nguyễn Hữu Cảnh dài 360m và nhánh N4 trên đường Ngô Tất Tố dài 151m.
HĐND Thành phố cũng quyết định đặt tên Ba Son cho cây cầu kết nối từ đường Tôn Đức Thắng (Quận 1) đến Khu đô thị mới Thủ Thiêm (thành phố Thủ Đức), hiện mang tên Thủ Thiêm 2. Công trình mới được đưa vào khai thác từ tháng 4/2022, có quy mô phần cầu chính và nhịp dẫn chính có chiều dài tổng cộng 845m; phần nhánh N1 dài 192m và nhánh N2 dài 188m.
Thủ Thiêm 2 là cây cầu bắc qua sông Sài Gòn ngay tại khu vực Xưởng thủy năm xưa (sau này là khu vực Xí nghiệp Ba Son). Theo UBND TP Hồ Chí Minh, giả thuyết trước đây, Ba Son được ghi nhận là cái nôi của ngành công nghiệp đóng và sửa chữa tàu Việt Nam; đồng thời là cái nôi của giai cấp và phong trào công nhân Việt Nam, tổ chức Công đoàn Việt Nam.
Ba Son đã trở thành một phần quan trọng của lịch sử đấu tranh giành tự do độc lập của Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh. Ba Son gắn liền với cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Tôn Đức Thắng.