Điểm bán lẻ 'vùng xanh' TP Hồ Chí Minh bắt đầu mở cửa phục vụ khách hàng

TP Hồ Chí Minh tiếp tục áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội theo phương châm “triệt để, nghiêm ngặt, quyết liệt, hiệu quả từng biện pháp trên từng địa bàn cụ thể” từ ngày 0 giờ ngày 16/9 đến hết ngày 30/9/2021. 

Do đó, nhiều nhà bán lẻ, chợ đầu mối... tại "vùng xanh" trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh đang chuẩn bị sẵn sàn phục vụ khách hàng và đảm bảo những quy định mới về phòng chống dịch.

Chú thích ảnh
Mua hàng hóa, lương thực tại siêu thị Co.op Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Cụ thể, hôm nay tại siêu thị Co.opmart Huỳnh Tấn, Quận 7, Tp. Hồ Chí Minh đã bắt đầu đón những khách hàng đầu tiên ngay sau khi được Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 Quận 7 công nhận là “Doanh nghiệp xanh”. Ngoài ra, một số siêu thị khác thuộc Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Tp. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) như Co.opXtra Tân Phong, Co.opmart SCA Crescent Mall thuộc Quận 7; Co.opmart Cần Giờ; Co.opmart Củ Chi cũng sẵn sàng đón khách. 

Đại diện Saigon Co.op cho hay, trước tình hình toàn Tp. Hồ Chí Minh tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội thêm 2 tuần, riêng Củ Chi, Cần Giờ và Quận 7 được thí điểm cho phép người dân được đi chợ mỗi tuần một lần. Do đó, hệ thống siêu thị “vùng xanh” của Saigon Co.op đã chuẩn bị phương án hàng hóa, vận hành phù hợp và luôn trong tư thế sẵn sàng phục vụ người dân trên địa bàn dân cư.

Đảm bảo mục tiêu điều tiết tốt lượng khách và thực hiện việc kiểm soát quy định về phòng chống dịch hiệu quả, hệ thống siêu thị "vùng xanh" của Saigon Co.op gồm: Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food chưa phục vụ khách vãng lai tự do mà chỉ phục vụ khách hàng cá nhân có giấy giới thiệu hoặc phiếu đi chợ do chính quyền địa phương cấp. Bên cạnh đó, hệ thống siêu thị "vùng xanh" vẫn tiếp tục duy trì giải pháp mua chung của cơ quan, đoàn thể đặt và mua hàng phục vụ khu dân cư, tổ dân phố...

Cùng đó, hệ thống siêu thị “vùng xanh” của Saigon Co.op sẽ tiến hành đánh giá sức mua hàng ngày, từ đó có phương án chuẩn bị hàng hóa phù hợp. Trong trường hợp sức mua tăng đột biến, siêu thị sẽ được tiếp ứng hàng hóa nhanh nhất từ một số điểm bán gần nhất trong hệ thống Saigon Co.op, tổ chức mua sắm theo lượt từng nhóm nhỏ... 

Hệ thống siêu thị “vùng xanh” của Saigon Co.op hiện đang tăng cường giám sát 5K, khai báo y tế chặt chẽ và chuẩn bị sẵn phương án điều tiết khách hàng ra vào, nhằm đảm bảo khu mua sắm chung được đảm bảo quy định về giãn cách. Một số siêu thị còn thực hiện thêm phương thức đi chợ theo yêu cầu và giao cho khách tại cửa siêu thị (pick & ship), sẵn sàng phục vụ tốt nhất nhu cầu mua sắm của người dân thành phố.

Tương tự, nhiều hệ thống bán lẻ khác tại "vùng xanh" ở Tp. Hồ Chí Minh gồm: LOTTE Quận 7, GO! Nguyễn Thị Thập, Bách hóa Xanh... cũng đã công bố mở cửa bán hàng trở lại và tuân thủ khung giờ hoạt động theo quy định của chính quyền địa phương. Hầu hết hệ thống bán lẻ này đều tăng cường đảm bảo môi trường an toàn cho khách hàng như yêu cầu người dân tham gia mua sắm thực hiện 5K, khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt... Riêng đội ngũ nhân viên, người lao động tại điểm bán lẻ ưu tiên đã tiêm mũi 1 vaccine COVID-19 và trang bị đầy đủ biện pháp phòng chống dịch.

Ở lĩnh vực giao nhận, ngay khi UBND Tp. Hồ Chí Minh ban hành công văn 3072/UBND-VX ngày 15/9/2021 về việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố; trong đó cho phép đội ngũ người giao hàng (shipper) được hoạt động liên quận, huyện và thành phố Thủ Đức trong khung giờ nhất định, Gojek Việt Nam đã thông báo tới người dùng về việc mở rộng phạm vi đặt dịch vụ GoFood và GoSend. Theo đó, kể từ hôm nay, người dùng có thể đặt đơn hàng đặt thực phẩm GoFood và vận chuyển hàng hóa GoSend liên quận, huyện và thành phố Thủ Đức trong khung giờ từ 6 giờ đến 21 giờ hàng ngày.

Về phía đối tác tài xế, Gojek Việt Nam đã đăng ký với Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh danh sách hàng chục nghìn đối tác tài xế đủ điều kiện tham gia hoạt động, bao gồm đã tiêm ít nhất mũi 1 vaccine COVID-19. Tất cả đối tác tài xế cũng đều được yêu cầu đảm bảo tuân thủ trang bị theo bộ nhận diện shipper, thực hiện xét nghiệm 2 ngày/lần và tuân thủ quy định của cơ quan chức năng.

Ghi nhận sau khoảng 1 tuần hoạt động, điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa chợ Bình Điền, quận 8, Tp. Hồ Chí Minh ngày càng ổn định, mở rộng quy mô về số lượng thương nhân, lượng hàng lưu thông cũng như lượng xe nhập chợ. Trong thời gian tới, Công ty chợ Bình Điền dự kiến đẩy mạnh hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm tra, kiểm soát, điều hành hoạt động của điểm tập kết; tích hợp mã QR code trên thẻ ra vào cổng đối với người lao động làm việc...

Ngoài ra, Công ty chợ Bình Điền sẽ xem xét cho bổ sung thêm nhân sự tại những ô vựa còn thiếu trên nguyên tắc phải đảm bảo tiêu chí an toàn phòng chống dịch, thu hồi giấy đi đường hoặc cho ngưng tham gia vào điểm tập kết đối với những trường hợp có đăng ký hoạt động và đã được cấp giấy đi đường nhưng không vào chợ hoạt động hoặc sử dụng giấy đi đường cho mục đích kinh doanh bên ngoài. Đồng thời, xử lý đối với xe tải đã đăng ký, nhưng không vào điểm tập kết (nếu không có lý do chính đáng) tổ chức buôn bán ngoài khu dân cư.

Trái ngược với hệ thống bán lẻ, chợ đầu mối, mạng lưới cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh, kể cả "vùng xanh" vẫn trầm lắng, nhiều nơi chưa mặn mà mở cửa hoạt động trở lại. Theo các đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ, do tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp nên dù có mở cửa hoạt động trở lại thì cũng khan hiếm từ nguồn cung ứng nguyên vật liệu, hàng hóa đầu vào... cho đến khách hàng.

Chị Minh Tranh, chủ quán ăn tại huyện Củ Chi chia sẻ, quán đóng cửa khoảng 4 tháng nay và một số nhà cung ứng nguyên vật liệu cũng tạm dừng hoạt động suốt thời gian qua. Vì vậy, quán ăn muốn mở bán trở lại thì trước hết phải liên hệ với nhà cung cấp và chuẩn bị sẵn sàng nguồn cung cấp nguyên vật liệu mới duy trì được hoạt động ổn định.

Cùng quan điểm, anh Chánh Minh, chủ vựa thủy hải sản tại huyện Cần Giờ cho rằng, hiện nay giá cước phí vận chuyển, giao nhận hàng hóa vẫn khá cao so với thời điểm bình thường, nên tất cả cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ đều ưu tiên bỏ sỉ và cung cấp cho đầu mối mua chung để tiết giảm chi phí này. Để thích ứng linh hoạt với tình hình dịch COVID-19 và biến động thị  trường, nhiều cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ cũng đã làm quen và chuyển hướng sang mô hình bán hàng online, nên việc mở cửa trở lại cửa hàng kinh doanh trong thời điểm này chưa mang lại doanh số cao. 

Ở góc độ chính quyền địa phương, ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ cho biết, sau ngày 15/9, huyện thực hiện thí điểm nới lỏng giãn cách xã hội theo tiêu chí "khoá chặt bên ngoài, từng bước nới lỏng bên trong" tới ngày 30/9/2021. Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng sẽ cho ngư dân triển khai đánh bắt, nuôi trồng thuỷ hải sản trở lại theo lộ trình phù hợp với quy định phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn.

Trên cơ sở này, huyện Cần Giờ cho phép mở lại hàng quán, dịch vụ ăn uống nhưng không ăn tại chỗ mà chỉ mang về; người dân đi chợ 1 tuần/lần...; đồng thời, thực hiện "mỗi người dân là 1 shipper", người đã tiêm 2 mũi, sau 14 ngày sẽ được đi lại theo phương án phòng, chống dịch của địa phương.

Mỹ Phương  (TTXVN)
Hệ thống bán lẻ tăng cường cách thức tiếp cận người tiêu dùng
Hệ thống bán lẻ tăng cường cách thức tiếp cận người tiêu dùng

Vào thời điểm này, người dân TP Hồ Chí Minh vẫn đang thực hiện quy định về giãn cách xã hội “ai ở đâu ở yên đó”. Vì vậy, nhiều hệ thống bán lẻ tại TP Hồ Chí Minh nỗ lực tăng cường cách tiếp cận người tiêu dùng trên các địa bàn dân cư.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN