Khuyến cáo không tụ tập đông người
Nhiều ngày qua, đội công nhân làm việc tại công trường của Tổng Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh (EVNHCMC) đã làm việc theo chế độ luân phiên làm - nghỉ.
Ông Lê Văn Minh, Chủ tịch Công đoàn EVNHCMC cho biết, hiện đối với các đội làm việc tại công trường, Tổng công ty đang áp dụng chế độ chia thành các nhóm để luân phiên làm việc. Một nhóm có thể làm 3 ngày xong nghỉ, nhóm khác vào làm thay. Cách phân chia nhân lực như thế này vừa bảo đảm giãn cách, vừa đề phòng nếu chẳng máy có sự cố lây nhiễm, không ảnh hưởng đến tất cả mọi người và có đội ngũ sẵn sàng thay thế.
Tương tự, ông Lưu Kim Hồng, Chủ tịch Công đoàn công ty Nidec Việt Nam, Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh cho biết, đơn vị vẫn tiến hành đo thân nhiệt và bắt rửa tay, đeo khẩu trang khi đi làm từ tháng 2/2020 tới nay. Ngoài ra, công ty đã lắp đặt lại vách ngăn trong nhà ăn để hạn chế tiếp xúc trực tiếp giữa những công nhân khi ăn cơm, đồng thời điều chỉnh thời gian ăn cơm của công nhân để bảo đảm mỗi ô một người. Hàng tháng, đơn vị vẫn duy trì phát khẩu trang vải kháng khuẩn một người một cái, riêng tháng 5 tăng thêm mỗi người hai cái.
Theo đại diện Công ty TNHH Jabil Việt Nam, Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh, để đảm bảo công tác phòng dịch, công ty đã áp đụng đầy đủ các quy trình theo quy định 5K của Bộ Y tế như: Đo thân nhiệt, đeo khẩu trang, sát khuẩn tay chân, kê khai y tế… đối với tất cả người lao động. Đối với khách hàng, nhà cung cấp vào công ty, đều phải khai báo y tế và đeo khẩu trang. Hiện nay, công ty cũng đang áp dụng khai báo y tế hàng ngày bằng ứng dụng riêng của công ty. Nếu công nhân không thực hiện khai báo y tế thì sẽ không được phép vào công ty. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng đã kí cam kết phòng, chống dịch, thiết lập Ủy ban phòng chống dịch với tất các thành phần và họp thường xuyên để cập nhật thông tin cho các cơ quan quản lý nắm tình hình để xử lý kịp thời.
Là công ty có hàng ngàn cán bộ, công nhân, người lao động, Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS LPG), PV GAS LPG và các đơn vị trực thuộc, thành viên; luôn gương mẫu thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch bệnh để đảm bảo an toàn sức khỏa cho người lao động. Doanh nghiệp luôn xác định phòng, chống COVID-19 là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, gắn liền với cuộc sống hàng ngày của mỗi cá nhân, vì an toàn cho tập thể, công trình cũng như toàn cộng đồng. Vì vậy, tất cả các cán bộ, nhân viên, người lao động được yêu cầu chủ động theo dõi sức khỏe, thông báo cho cơ quan y tế địa phương và cập nhật ngay cho công ty khi có các triệu chứng bất thường; chủ động rà soát, cập nhật, hoàn chỉnh các phương án phòng chống dịch đã được xây dựng để sẵn sàng đáp ứng mọi tình huống của dịch bệnh COVID-19.
Xét nghiệm ngẫu nhiên
Theo Ban Quản lý các KCX và KCN TP Hồ Chí Minh (Hepza), các KCX - KCN, Khu công nghệ cao tại TP Hồ Chí Minh hiện có số lượng công nhân lao động tập trung đông nhất cả nước. Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, các cấp công đoàn TP Hồ Chí Minh cùng cơ quan quản lý đã chủ động xây dựng kịch bản ứng phó phòng, chống dịch COVID-19. Trong đó, Hepza chọn biện pháp lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc COVID-19 ngẫu nhiên trong các nhà máy và đang được gấp rút triển khai thần tốc để đảm bảo an toàn phòng dịch.
Theo đại diện công ty TNHH Jabil Việt Nam (Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh), vừa qua công ty đã phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) lấy mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên cho khoảng 2.500 công nhân của công ty. Đợt 1 sau Tết âm lịch, các đơn vị đã lấy gần 500 mẫu và trong tuần qua, các đơn vị chức năng lấy khoảng 2.000 mẫu xét nghiệm cho công nhân, nhân viên đang làm việc tại công ty. Tất cả hai đợt lấy mẫu đều cho kết quả xét nghiệm âm tính. Đối với nhân viên là chuyên gia nước ngoài, để đảm bảo phòng dịch ngay khi nhập cảnh đều phải thực hiện cách ly 21 ngày theo khuyến cáo của HCDC, sau đó phải tự cách ly tại nhà thêm 14 ngày...
"Công ty có hai nhà máy khác nhau nên công ty cũng tách riêng người lao động làm việc thành 2 khu vực riêng, nhân viên từ nhà máy này không được phép qua nhà máy kia và ngược lại. Nếu vì lí do công việc, buộc phải thuyên chuyển từ nhà máy này sang nhà máy kia, thì phải thực hiện cách ly 14 ngày, khai báo y tế liên tục, bộ phận y tế sẽ kiểm tra riêng biệt và chấp nhận cho chuyển nhà máy thì mới được phép thuyên chuyển. Tất cả xe đưa đón nhân viên tại các nhà máy cũng phải tuân theo quy tác phòng dịch như: thực hiện giãn cách xã hội, phân chia vị trí ghế ngồi cách xa nhau, qui định số lượng cho phép tối đa trên xe. Các nhân viên lên xuống xe phải thực hiện quét mã vạch và khai báo hành trình di chuyển...", đại diện công ty Jabil Việt Nam cho biết thêm.
Theo ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng ban Hepza, để đảm bảo công tác phòng dịch, liên tục từ ngày 13/5 đến nay, Hepza phối hợp HCDC, trung tâm y tế các quận, huyện, thành Thủ Ðức tổ chức xét nghiệm sàng lọc COVID-19 ngẫu nhiên cho gần 20.000 công nhân lao động đang làm việc tại các KCX, KCN trên địa bàn thành phố.
"Hiện nay, TP Hồ Chí Minh có 17 KCX, KCN và khu công nghệ cao với 1.500 doanh nghiệp đang hoạt động, có khoảng 280.000 công nhân, 3.000 chuyên gia nước ngoài. Do đó, biện pháp lấy mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên được thực hiện đối với những trường hợp thường xuyên làm việc với nhiều bộ phận, được đánh giá có nguy cơ cao, giúp thành phố bao vây, tầm soát diện rộng, phát hiện nhanh COVID-19 để kịp thời khoanh vùng chống dịch. Tuy nhiên, từng doanh nghiệp và mỗi công nhân cũng không thể chủ quan lơ là mà phải chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định tại đơn vị mình. Ngoài ra, Hepza còn xây dựng các phương án, kịch bản khi có một công nhân bị nhiễm COVID-19 thì doanh nghiệp, người lao động phải cách ly, giãn cách ra sao để không lây lan, ảnh hưởng đến doanh nghiệp khác và cộng đồng chung quanh", ông Hứa Quốc Hưng nói.
Trước đó, UBND TP Hồ Chí Minh cũng đã có văn bản gửi Hepza, LÐLÐ TP Thủ Ðức, LÐLÐ các quận, huyện; công đoàn ngành, sở, khối, tổng công ty và cấp trên tương đương đề nghị các đơn vị, doanh nghiệp tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, thiếu trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch. Công đoàn phối hợp ban giám đốc công ty xây dựng ban chỉ đạo phòng, chống dịch của từng doanh nghiệp. Các doanh nghiệp phải triển khai nghiêm túc, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch; xây dựng phương án xử lý tình huống nếu có ca dương tính với SARS-CoV-2 tại doanh nghiệp, thực hiện sáng tạo, hiệu quả theo nguyên tắc 5K và phương châm bốn tại chỗ. Khi các điều kiện đã bảo đảm an toàn, không để một bộ phận người lao động lấy cớ có dịch để ngừng việc, ảnh hưởng hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và thu nhập của người lao động.
Mới đây trong cuộc họp với Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 của TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, trong bối cảnh các ca nhiễm cộng đồng trên cả nước có diễn biến phức tạp, đã xuất hiện ổ dịch ở các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, do đó tinh thần của lãnh đạo Thành phố là không được chủ quan, lơ là. Nhằm đảm bảo an toàn hơn trong sản xuất, các doanh nghiệp cần bố trí, phân luồng khu nhà ăn cho nhân viên, phân số thứ tự, ngồi cố định để tiện theo dõi; chủ động bố trí nhà cách ly tạm thời ngay trong các doanh nghiệp đề phòng xuất hiện trường hợp nghi ngờ. Đối với các doanh nghiệp có đông công nhân, cần phối hợp với HEPZA và các đơn vị khác tổ chức diễn tập xử trí tình huống có dịch bệnh, vận động công nhân, người lao động nghiêm chỉnh chấp hành quy định để bảo đảm sự an toàn trong điều kiện hiện nay.