Dự thảo Đề án thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh quy định 6 hoạt động phải nộp phí bao gồm: làm điểm trông giữ xe có thu phí, tổ chức các hoạt động văn hóa thể thao, làm điểm trung chuyển vật liệu, phế thải xây dựng, điểm trung chuyển rác thải sinh hoạt của doanh nghiệp vệ sinh môi trường, tổ chức kinh doanh dịch vụ mua bán hàng hóa, lắp đặt tạm thời các công trình trong hành lang an toàn giao thông. Trong đó, mức thu cho trông giữ xe được nhân thêm hệ số K so với các hoạt động còn lại.
Theo dự thảo Đề án, mức thu phí vỉa hè dao động từ 20.000 đồng/m2/tháng đến 350.000 đồng/m2/tháng, tùy mục đích sử dụng. Khu vực thu phí cao nhất là khu vực 1 (gồm các quận: 1, 3, 4, 5,10, Phú Nhuận, khu A Khu đô thị mới Nam Thành phố Hồ Chí Minh, Khu đô thị mới Thủ Thiêm) được đề xuất mức thu phí sử dụng tạm thời hè phố để kinh doanh là 50.000 - 100.000 đồng/m2/tháng; sử dụng lòng đường để trông giữ ô tô, xe máy và xe đạp là 180.000 - 350.000 đồng/m2/tháng.
Tại Hội nghị, cơ bản các đại biểu đều nhất trí về sự cần thiết ban hành quy định về việc thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn Thành phố và nêu nhiều ý kiến phản biện đối với một số nội dung dự thảo Đề án.
Ông Phạm Văn Phố, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Quận 6 cho rằng, việc sử dụng tạm thời, lòng đường, hè phố là chủ trương đúng. Tuy nhiên, việc thu phí cần không chỉ chú trọng vào việc tăng thu ngân sách mà phải hài hòa lợi ích các bên. Phải nhìn nhận vỉa hè, lòng đường với tư cách là yếu tố phát triển kinh tế với đối tượng thụ hưởng, đối tượng bị tác động bởi việc thu phí là các hộ kinh doanh trực tiếp, cho thuê và người mua bán hàng rong.
Theo ông Phạm Văn Phố, cho phép sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố cần quan tâm đến yếu tố văn hóa khi Thành phố Hồ Chí Minh có văn hóa đường phố, có tuyến đường chuyên doanh về văn hóa, kinh tế, có các khu vực là lịch sử văn hóa đan xen. Thêm vào đó, cần quan tâm về trật tự mỹ quan đô thị. Không thể chỉ tập trung thu phí mà làm mất lề đường cho người dân đi lại, sẽ dẫn đến mất trật tự an toàn giao thông.
“Một điều quan trọng nữa là khi triển khai thu phí phải đảm bảo tính công khai, minh bạch, bảo đảm tính dân chủ và tính công bằng của các đối tượng khi thụ hưởng hoặc đối tượng bị tác động”- ông Phạm Văn Phố chia sẻ.
Luật sư Trương Thị Hòa, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn dân chủ và Pháp luật, Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, quy định về mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn Thành phố của Dự án là có cơ sở pháp lý và phù hợp với tình hình thực tế. Tuy nhiên, Luật sư Trương Thị Hòa không đồng ý với nội dung đề nghị nộp toàn bộ 100% số thu vào ngân sách Thành phố, không để lại tỷ lệ khấu hao, khấu trừ cho đơn vị thu, vì điều này trái quy định của Luật Phí, Lệ phí.
Bà Nguyễn Thị Minh Sáu, Trưởng ban Công tác Mặt trận Khu phố 3, Phường 17, quận Bình Thạnh bày tỏ sự quan ngại về nguy cơ không đảm bảo trật tự an toàn giao thông và mỹ quan đường phố khi tiến hành thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố. Đồng thời, bà đề nghị, nên giao cho một đơn vị đứng ra thực hiện việc thu phí nhằm quản lý chặt chẽ, tránh chồng chéo. Việc phân cấp cho chính quyền các quận, huyện thu phí sẽ làm cho bộ máy thêm cồng kềnh và có thể mỗi nơi thu một kiểu dẫn đến khó quản lý, dễ xảy ra tiêu cực.
Tại buổi phản biện, đại diện người dân, chuyên gia có chung ý kiến cho rằng Thành phố cần triển khai thí điểm tại một vài tuyến phố để rút kinh nghiệm trước khi tổ chức thu phí toàn địa bàn. Những khu vực lựa chọn thí điểm cần đảo bảo các yêu cầu về mật độ, không gian cho giao thông, các hoạt động của người dân.
Theo tính toán của Sở Giao thông Vận tải Thành phố, hoạt động thu phí sử dụng vỉa hè, lòng đường có thể mang lại nguồn thu hơn 1.500 tỷ đồng/năm cho ngân sách Thành phố. Trong đó, thu từ lòng đường khoảng 550 tỷ đồng/năm và thu từ vỉa hè khoảng 972 tỷ đồng/năm.