Theo ông Phan Văn Mãi, sau một thời gian theo dõi, quan sát di chuyển ngoài đường của người dân từ 6 giờ đến 18 giờ cho thấy người dân đã hạn chế ra đường, chứng tỏ người dân đảm bảo quy định phòng dịch trong thời gian giãn cách. Hiện nay, người dân cũng lập các chốt cộng đồng tự quản và nỗ lực xây dựng “vùng xanh” để đảm bảo an toàn cho người dân sinh sống trong các “vùng xanh”.
“Kết quả này rất đáng hoan nghênh, TP Hồ Chí Minh đang theo dõi, thúc đẩy để người dân tham gia mở rộng thêm các “vùng xanh” để góp phần thu hẹp “vùng đỏ” trên bản đồ COVID-19 của TP Hồ Chí Minh”, ông Phan Văn Mãi nói.
Nói về công tác điều trị các bệnh nhân COVID-19, theo ông Phan Văn Mãi, công tác điều trị, chăm lo đời sống người dân đã đi vào đi nề nếp, vận hành khá bài bản, tháo gỡ được các vướng mắc, hạn chế. Mặc dù mỗi ngày đều có phát sinh hạn chế nhưng khi phát hiện, TP Hồ Chí Minh luôn có biện pháp điều chỉnh, khắc phục kịp thời. Tuy nhiên, trong công tác điều trị, TP Hồ Chí Minh cũng đang chịu áp lực lớn vì số ca bệnh nặng ngày càng nhiều trong khi năng lực tiếp nhận và điều trị có giới hạn.
“Thành phố đang cố gắng làm sao tăng cường năng lực điều trị kịp thời để hạn chế số ca diễn biến nặng và ca tử vong, góp phần ngăn chặn dịch bệnh COVID-19”, ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Đối với việc đảm bảo an sinh xã hội, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cho biết, chưa bao giờ thành phố thiếu nguồn lực chăm lo. “Bằng nguồn lực từ vận động trong nhân dân, tổ chức doanh nghiệp, nhà hảo tâm, từ ngân sách Nhà nước, Mặt trận, đoàn thể thì việc chăm lo cho bà con có thể thực hiện được. Những trường hợp gặp khó khăn cần thông báo đến địa phương hoặc kênh thông tin tiếp nhận để Thành phố làm tốt việc này. Tuy nhiên, thực hiện chăm lo an sinh xã hội đòi hỏi các ban ngành cần nhanh nhạy hơn, bao quát hơn trong việc phát hiện trường hợp khó khăn để có sự hỗ trợ kịp thời”, ông Phan Văn Mãi nói.